Tại nhiều hệ thống bán lẻ, sức mua từ đầu tháng 7 đến nay tăng 10%-15% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Masan

 
Cẩm Tú Thứ Sáu | 21/07/2023 16:33

Giảm thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp có thêm hy vọng

Một số đơn vị bán lẻ bắt đầu thấy sức mua nhích lên sau khi thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm từ 10% xuống còn 8%.

Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM vừa cho biết những tháng đầu năm, tình hình sức mua của thành phố không khả quan. Tính chung cả quý I, chỉ số tiêu thụ lương thực thực phẩm của TP.HCM ước giảm 4,07%. 

Tuy nhiên từ đầu tháng 7, thuế GTGT giảm từ 10% xuống còn 8% với nhiều mặt hàng thiết yếu đã tạo kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới người tiêu dùng. Đây là lần thứ 2 thuế GTGT được giảm 2% đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Từ đó kích cầu mua sắm, góp phần tăng doanh thu bán hàng.

Ngay khi chính sách giảm thuế GTGT được áp dụng, các hệ thống siêu thị như MM Mega Market, Go!, BigC, Tops Market, Aeon Mall, Satra, Co.opmart… đã giảm giá sâu hàng ngàn sản phẩm, mức giảm từ 10-50% tùy mặt hàng, trong đó tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, trái cây tươi, thịt cá… Các hệ thống trên cho biết, sức mua từ đầu tháng 7 đến nay tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước.

 việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Ảnh: T.L
Việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Ảnh: Masan

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, đại diện Central Retail Việt Nam cho biết, ngay từ ngày 1/7, doanh nghiệp này đã đưa xuống hệ thống bán lẻ khoảng 4 triệu dòng sản phẩm để áp dụng ngay lập tức mức thuế GTGT mới. Đến nay vào cuối tuần lượng khách bắt đầu đông hơn so với trước ngày 1/7.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành chuỗi Co.opmart cho biết, ngay từ ngày đầu tiên áp dụng chính sách giảm 2% thuế GTGT, Saigon Co.op đã triển khai giảm giá hơn 2.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống chủ yếu là các loại thịt và rau củ quả, giảm trung bình 22%; thực phẩm công nghệ gồm các loại nước giải khát, các loại sữa, giảm trung bình 32%; các sản phẩm thời trang may mặc thiết kế giảm trung bình 42%; các mặt hàng đồ dùng gia đình giảm trung bình 62%.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) chia sẻ: “Với chương trình giảm thuế của Chính phủ cộng với những chương trình khuyến mãi mà VISSAN đã thực hiện, chúng tôi kỳ vọng doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ tăng từ 10-15%”.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến việc giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 5.800 tỉ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35.000 tỉ đồng. Năm 2022, việc giảm thuế GTGT tổng cộng khoảng 44.000 tỉ đồng đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. 

Có thể bạn quan tâm:

Doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường thực phẩm 1.900 tỉ USD