Chủ Nhật | 23/08/2015 18:33

Giảm giá tiền đồng: Không phải doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng hưởng lợi!

Lợi ích việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp vẫn phải đầu tư vào chất lượng để nâng lợi thế cạnh tranh.

Quyết định phá giá “mạnh tay” đối với tiền đồng ngày 19/8 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giới phân tích đánh giá là sẽ có lợi cho xuất khẩu và những doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp dệt may không nhận thấy như vậy.

Tiền đồng mất giá tác động tiêu cực đến doanh nghiệp dệt may

Ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (mã GMC), cho rằng việc giảm giá tiền đồng đã ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động do chính sách lương ít khi được điều chỉnh theo tỷ giá trong khi đó tiền đồng giảm giá có thể khiến cho vật giá tăng lên làm chi phí sinh hoạt của người lao động tăng lên.

Về phía doanh nghiệp, theo lý thuyết việc phá giá tiền đồng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng với những doanh nghiệp vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu như GMC lợi ích mang lại không rõ ràng.

“Bởi, dù cho doanh nghiệp đã chốt xong giá nhập khẩu nguyên liệu phụ liệu để sản xuất, nhưng đa phần các doanh nghiệp phải vay USD để thanh toán đơn hàng nhập khẩu trước và bù trừ USD với ngân hàng sau khi nhận được tiền hàng xuất khẩu. Thêm vào đó, nhiều nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước/nước ngoài dù đã chốt giá nhưng chưa thực thi đơn hàng cũng đề nghị tăng giá sau quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Những đơn hàng mới hầu hết các nhà cung cấp đều yêu cầu tăng giá”, ông Ân phản ánh.

Ông Nguyễn Ân cho biết thêm, năm 2015 là năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may do đồng Euro và đồng Yên, CNY mất giá mạnh và các biến động bất ngờ trên thị trường tiền tệ dẫn đến các nhà nhập khẩu nước ngoài “ép giá” và phải chia nhỏ giá trị đơn hàng để giảm thiểu rủi ro.

“Điều này đã ảnh hưởng đến tính ổn định trong sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp dệt may có thể sẽ thiếu đơn hàng sản xuất trong những tháng cuối năm và đầu năm sau, hoặc sản xuất không có lãi”.

Với GMC, hiện công ty đã hoàn tất các đơn hàng sản xuất cho vụ Thu Đông, đang sản xuất đơn hàng cho vụ Xuân Hè và có đơn hàng đủ sản xuất đến hết tháng 3/2016.

Mặc dù năm 2015 là “năm hết sức khó khăn” nhưng kế hoạch doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 75 tỷ đồng là “trong tầm tay của GMC”.

Cũng là doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM) được cho là có thể phải ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện khoảng 15-20 tỷ đồng trong quý III/2015 nếu tiền đồng mất giá khoảng 2,5% so với cuối quý II/2015.

Chuyên viên phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt trong báo cáo mới nhất của mình về TCM nhận định trong ngắn hạn, việc tiền đồng mất giá có thể tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh năm nay của TCM. Tuy nhiên về dài hạn, động thái của NHNN lần này là yếu tố tích cực có thể giúp duy trì tính cạnh tranh về giá cho các mặt hàng may mặc của Việt Nam nói chung, TCM nói riêng.  

Doanh nghiệp thủy sản được hưởng lợi

Ở thái cực khác, động thái phá giá tiền VND của NHNN đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp thủy sản nhóm ngành cá tra, ba sa.

Đại diện của CTCP Hùng Vương (mã HVG) cho biết, HVG đang là doanh nghiệp vừa nhập khẩu nguyên liệu để chế biến thức ăn cho cá vừa là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra/ba sa. Thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành cá.

Hiện, giá mua nguyên liệu nhập khẩu của HVG trong các hợp đồng từ này đến hết năm 2015 đã được chốt giá. Vì vậy, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá đồng VND là có lợi cho HVG.

HVG cho rằng, việc điều chỉnh giảm đồng VND còn giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới. Đồng thời, việc tiền đồng giảm giá khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập khẩu, bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại.

Tương tự như HVG, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) hiện đang là doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất ngành tra, ba sa được đánh giá “sẽ có nhiều lợi ích” từ đợt điều chỉnh tỷ giá VND/USD của NHNN. Chuyên viên phân tích của CTCK Rồng Việt cho rằng, với một doanh nghiệp mà thị trường Mỹ chiếm đến 62% doanh thu như VHC thì việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, lợi ích việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài đối với các doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam.

Nguồn Bizlive