Thứ Hai | 07/04/2014 15:59

Giám đốc WB Việt Nam khuyến cáo tập trung cho khu vực sản xuất nếu muốn tăng trưởng

WB cho rằng cần cho phép một số ngân hàng yếu kém phá sản, dù Chính phủ có lẽ khó có thể để điều đó xảy ra.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa phát biểu, chỉ sáp nhập, mua lại các ngân hàng là không đủ để giải quyết vấn đề cơ cấu của hệ thống ngân hàng hiện nay.

Theo bà Kwakwa, sáp nhập là một trong những biện pháp cải cách hệ thống nhưng bản thân biện pháp này không giải quyết được vấn đề bởi khi một ngân hàng yếu nhập với một ngân hàng lớn hơn thì chưa chắc đã tạo ra một ngân hàng mạnh.

Ngân hàng Thế giới cho rằng cần cho phép một số ngân hàng yếu kém phá sản, dù Chính phủ có lẽ khó có thể để điều đó xảy ra.

Giải quyết vấn đề nợ xấu được World Bank xem là vấn đề quan trọng nhất mà Việt Nam đang cần thực hiện. Các ngân hàng hiện dùng tiền để mua trái phiếu chính phủ chứ không cho vay cũng vì lo sợ nợ xấu.

Hiện Ngân hàng Thế giới chưa có thông tin đầy đủ và minh bạch về Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) do vậy chưa thể đánh giá hoạt động của tổ chức này.

World Bank cho rằng đây là một bước đi quan trọng cần thiết, tuy nhiên, có những lo ngại về năng lực hoạt động của VAMC, về sự thiếu nguồn lực, bao gồm cả tài chính để đáp ứng nhu cầu vốn hóa ngành ngân hàng, và về tiến độ thực hiện, cũng như các vấn đề khác. Các vấn đề về vỡ nợ, mất khả năng thanh toán và quyền của bên cho vay cũng sẽ cần phải được giải quyết để hỗ trợ tái cơ cấu nợ doanh nghiệp.

Để ngân hàng tự giải quyết

Ông Bert Hofman, chuyên gia kinh tế trưởng của Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB cho rằng nợ xấu đang là nút thắt cổ chai và kéo lùi tăng trưởng, phục hồi của hệ thống ngân hàng, Việt Nam nên chọn cách để các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu của mình.

Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại một số quốc gia khác, Hofman cho rằng giải quyết nợ xấu đòi hỏi các cơ quan chức năng không được thỏa hiệp với việc né tránh nợ xấu hoặc không báo cáo nợ xấu đầy đủ, không trích lập dự phòng rủi ro.

Tiếp ôxy cho khu vực sản xuất

Báo cáo Cập nhật Kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương của World Bank công bố hôm nay nhận định, tỷ lệ lạm phát giảm đã tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng quy định lãi suất nhằm kích cầu khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng dần dần, tổng tín dụng cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng ước tính đã tăng khoảng 9% trong năm 2013 so với kế hoạch năm là 12%.

Các hoạt động tín dụng chùng xuống khi các ngân hàng với bảng cân đối phải chịu thêm gánh nặng từ tỷ lệ nợ xấu cao, e sợ những rủi ro ngày càng gia tăng và đang dự kiến sẽ tháo bớt đồn bẩy tài chính. Nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu, thể hiện sự tự tin kinh doanh thấp trong khu vực tư nhân.

Bà Kwakwa nhấn mạnh, nếu Việt Nam vẫn muốn ở trên lộ trình tăng trưởng thì cần "tiếp oxy" cho khu vực sản xuất bởi họ mới tạo ra của cải vật chất để tăng trưởng kinh tế. Những kích thích kinh tế cần phải cân đối giữa các khu vực sản xuất hay bất động sản.

Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức tài chính ngày càng tăng do thu ngân sách giảm. Mục tiêu thâm hụt ngân sách đặt ra cho năm 2013 đã được điều chỉnh từ 4,8% của GDP lên 5,3% GDP, do đó đã vượt quá chỉ tiêu tâm hụt của chính phủ là 4,5% GDP (2011 - 15).

Tăng trưởng kinh tế chậm lại kết hợp với ưu đãi giảm thuế cho các doanh nghiệp đã làm giảm khả năng hồi phục của thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng trong 2 năm qua. Chính phủ đang cố gắng tăng cường quản lý thuế để có thể bù đắp một phần thiệt hại.

Chính phủ hiện đang đối mặt những lựa chọn chính sách tài khóa quan trọng khi phải cân đối giữa hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng cần phải chú ý đến việc thay đổi thành phần nợ công. Tỷ lệ nợ nước ngoài ưu đãi trong tổng số nợ công và nợ nước ngoài có bảo lãnh công của Việt Nam đã bắt đầu giảm do Việt Nam đang chuyển thành quốc gia thu nhập trung bình.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ổn định tài chính công dài hạn, vì trái phiếu trong nước có lãi suất cao hơn đáng kể và thời hạn ngắn hơn nhiều so với nợ nước ngoài ưu đãi.

Dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm 2014. Điều này dựa trên giả định rằng đường lối thận trọng trong kinh tế vĩ mô sẽ được thực hiện thông qua việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu, với sự quan tâm đặc biệt đến tái cơ cấu các khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, giải phóng đầu tư khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Các tài khoản thương mại và tài khoản vãng lai của Việt Nam dự kiến vẫn thặng dư trong năm 2014, World Bank nhận định, mặc dù ở mức thấp hơn so với năm 2013. Lạm phát có thể nằm trong chỉ tiêu của chính phủ là 7% năm 2014 với giải định tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và sẽ không xảy ra những cú sốc lớn từ phía cung.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện