Giám đốc VinaCapital: Năm 2013 sẽ có nhiều cơ hội đầu tư
Nhân dịp năm mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Andy Ho, Giám đốc điều hành của VinaCapital về những kế hoạch đã thực hiện trong năm qua và triển vọng năm 2013.
Thưa ông, mới đây VOF thông báo sẽ bán 50% cổ phần tại khách sạn Metropole Hà Nội (đứng thứ 2 trong top 10 khoản đầu tư của VOF). Trong năm tới, chiến lược đầu tư của VOF sẽ như thế nào, quỹ có dự tính tiếp tục thoái vốn hay đầu tư ở những ngành nghề nào không?
Tôi cho rằng không hoàn toàn chính xác khi nói rằng chúng tôi lên kế hoạch bán 50% cổ phần của Metropole. Metropole cùng với các công ty khác như Vinamilk, Dược Hậu Giang được coi là những tài sản tốt nhất trong danh mục đầu tư của chúng tôi.
Chúng tôi là những nhà đầu tư dài hạn trong các công ty này, khi mà quá trình đầu tư đã trên 5 năm. Những tài sản này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và ưa thích từ các nhà đầu tư nước ngoài khác, những người muốn tiếp cận với ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam hoặc bất động sản.
Rất nhiều nhà đầu tư tìm đến chúng tôi để yêu cầu thông tin về tài sản hoặc đặt vấn đề mua tài sản đó. Dựa trên quan điểm đầu tư của mình, chúng tôi cân nhắc để thoái vốn hoàn toàn hoặc một phần khỏi khoản tài sản đó, nhưng chỉ khi đạt được mức giá hợp lý.
Hoạt động hàng ngày của chúng tôi là quản lý danh mục các khoản đầu tư, đây là 1 chu trình liên tục, từ giám sát sau đầu tư, tái cơ cấu, thoái vốn và sau đó đầu tư lại vào các khoản mới. Trong những năm qua, chúng tôi đã giúp đỡ một số công ty tìm nhà đầu tư chiến lược và thoái phần vốn của mình. Chúng tôi cũng tái đầu tư vào các khoản vốn cổ phần tư nhân mới.
Năm 2013, chúng tôi sẽ tiếp tục rút khỏi một số khoản đầu tư với giá hợp lý và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những tài sản mới. Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ hội đầu tư trong năm 2013.
Trong danh mục cổ phiếu niêm yết trị giá gần 300 triệu USD với nhiều mã bluechips, VOF có dự kiến cơ cấu lại khoản đầu tư nào trong danh mục này không?
VOF có một danh mục đầu tư tốt nên chúng tôi không có kế hoạch tái cơ cấu danh mục này. Tuy nhiên, nếu điều kiện thị trường thay đổi đáng kể, cho dù tốt hay xấu, VOF sẽ cần phải tăng hoặc giảm tỷ trọng đầu tư trong các lĩnh vực nhất định.
Giữa việc đầu tư cổ phiếu hay vốn cổ phần tư nhân, ông cho rằng lĩnh vực nào sẽ đem lại nhiều tiềm năng trong năm tới và VOF có dự định đầu tư vào những công ty mới nào trong năm tới hay không?
Chúng tôi đã thành công trong việc đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân bởi chúng cho phép VOF có các điều kiện đầu tư tốt hơn và có thể đầu tư nhiều tiền hơn vào từng khoản.
Chúng tôi cũng đã làm tốt trong việc giúp các doanh nghiệp tư nhân thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tôi nghĩ rằng sẽ tiếp tục chiến lược này trong tương lai gần.
Thị trường cổ phiếu niêm yết cũng là cơ hội tốt để xác định giá trị hiện tại. Với nhu cầu mạnh của thị trường trong nước tại các lĩnh vực như hàng tiêu dùng và dược phẩm, nhóm này vẫn luôn thu hút được sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi tin rằng giá trị hiện tại luôn hấp dẫn.
Hiện nay, tỷ lệ chiết khấu của VOF vẫn trên 30%, VOF đang có chiến lược mua cổ phiếu quỹ để giảm tỷ lệ chiết khấu này. Ông có thể cho biết cụ thể quy mô của chương trình này và mục tiêu của ban điều hành quỹ sẽ giảm tỷ lệ chiết khấu về bao nhiêu?
Chương trình mua lại cổ phần là một chương trình để trả cổ tức cho các cổ đông chúng tôi. Nó cũng giúp làm tăng giá cổ phiếu và do đó giảm tỷ lệ chiết khấu.
Đến tháng 9/2013, VOF sẽ phải tổ chức đại hội nhà đầu tư để xin ý kiến về việc có tiếp tục hoạt động hay không, trong khi mới đây đại hội của VNL đã thông qua việc không đầu tư mới trong 3 năm tới. Ông có thể cho biết triển vọng phát triển của VOF trong thời gian tới, liệu nhà đầu tư có những phản ứng tiêu cực nào không?
VOF tổ chức đại hội nhà đầu tư 5 năm một lần để bỏ phiếu có tiếp tục cho quỹ hoạt động tiếp hay không. Năm 2008, VOF đã thành công trong việc bỏ phiếu thông qua việc tiếp tục và tôi hy vọng sẽ đạt được thành công tương tự trong năm 2013.
Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường trong năm 2013. Theo ông, Việt Nam có còn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài nữa hay không?
Tôi hy vọng nền kinh tế toàn cầu trong năm 2013 tiếp tục mở rộng. Trong nước, khi các điều kiện vĩ mô ổn định, thị trường cũng sẽ hồi phục. Các nhà đầu tư ngoại luôn quan tâm đến Việt Nam và chúng tôi tin rằng họ sẽ tiếp tục quan tâm trong dài hạn.
Trong năm 2013, VinaCapital có dự định mở thêm quỹ mới nào không? Ông nhận định như thế nào về tiềm năng của các quỹ mở tại Việt Nam?
Là công ty quản lý tài sản hàng đầu Việt Nam, VinaCapital luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Đối với các quỹ mở, chúng tôi nghĩ điều này tốt cho thị trường Việt Nam và cho thấy sự trưởng thành của thị trường chứng khoán.
Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu mới nhất, đến 30/11/2012, giá trị tài sản ròng của VOF đạt 712,5 triệu USD, tăng 1,3% so với cuối năm 2011.Báo cáo gửi đến các nhà đầu tư vào tháng 10 cho hay, VOF có danh mục cổ phiếu niêm yết trị giá gần 290 triệu USD với các mã như VNM (nắm 2,5% cổ phần - trị giá 68,7 triệu USD), EIB (nắm 5% cổ phần - trị giá 56,5 triệu USD), KDC (nắm 10,7% cổ phần - trị giá 26,1 triệu USD), HPG (nắm 5,2% cổ phần - trị giá 22,8 triệu USD)...Các tài sản là bất động sản và khách sạn có giá trị hơn 220 triệu USD, trong đó nổi bật có khách sạn Sofitel Metropole (trị giá gần 60 triệu USD).Trong năm 2012, VOF thực hiện một số thương vụ chuyển nhượng cổ phần như bán 500.000 cổ phiếu VNM với giá cao hơn thị trường gần 24%, thoái vốn hoàn toàn khỏi Indochina Food Pte (chuyên sản xuất đường tinh luyện) và Keating Capital (chủ đầu tư vào Prime Group)... Mới đây, VOF cũng chào bán 50% cổ phần tại khách sạn Sofitel Metropole.Đối mặt với tỷ lệ chiết khấu (chênh lệch giữa giá trị tài sản ròng và thị giá) ngày càng lớn, VOF đã thực hiện chương trình mua cổ phiếu quỹ. Đến hết tháng 11, quỹ này đã chi 55,3 triệu USD để mua lại 11,46% số cổ phần. Số tiền mua cổ phiếu quỹ chủ yếu được lấy từ việc bán các tài sản trong danh mục đầu tư (tại 30/11/2012 VOF có khoảng 46 triệu USD tiền mặt).Nhờ đó, tỷ lệ chiết khấu của VOF thu hẹp từ 34,3% (cuối tháng 3/2012 - trước khi bắt đầu chương trình mua cổ phiếu quỹ) về còn 30,6% cuối tháng 11/2012.Sang năm 2013, VOF đặt mục tiêu đầu tư vào 5 công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm với tổng giá trị 148 triệu USD. Đồng thời, quỹ dự kiến thoái khỏi 4 công ty thuộc lĩnh vực Logistic, vật liệu xây dựng, nông nghiệp và 1 công ty dược phẩm niêm yết được đánh giá là lớn nhất với vốn hóa thị trường khoảng 400 triệu USD, hiện VOF nắm 6% cổ phần. Tổng số tiền thu được từ việc thoái vốn khoảng 131 triệu USD. |
Nguồn Khampha