Giám đốc Nghiên cứu phân tích MBKE: Thị trường chứng khoán sẽ đi ngang 6 tháng đầu năm 2013
Năm 2012 đã chuẩn bị khép lại, theo ông, những diễn biến chính nào đáng ghi nhớ đối với thị trường chứng khoán năm qua?
Đầu tiên là sự trồi sụt thất thường của thị trường chứng khoán. Vào đầu tháng 5/2012, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index đã tăng 48% so với đầu năm 2012. Đó là một trong những mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới, hơn các thị trường ASEAN khoảng hơn 20%.
Nhưng sau đó, thị trường đã giảm trở lại, đến những ngày đầu tháng 12, VN-Index giảm 22% so với mức đỉnh giữa năm. Thị trường ở trạng thái nhạy cảm và sẵn sàng bị bán mạnh vì các thông tin liên quan đến nợ xấu khối ngân hàng, tình hình khủng hoảng nợ châu Âu và sự kiện bắt giữ, khởi tố một loạt các nhân vật chủ chốt của giới ngân hàng.
Theo tôi, sự gia tăng của thị trường chứng khoán suốt nửa đầu năm 2012 được dẫn dắt bởi hai yếu tố. Thứ nhất là nỗ lực giảm lạm phát từ mức đỉnh 23% trong tháng 8/2011 về khoảng 7% từ giữa năm 2012. Dư địa này cho phép có đợt giảm lãi suất vào cuối năm nay, khởi đầu cho chu kỳ phục hồi kinh kế từ đầu năm tới.
Thứ hai, giá cổ phiếu đã giảm quá sâu từ cuối năm 2011, nên thị trường chứng khoán bật lại khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cho các ngân hàng nhỏ vay một cách trực tiếp thông qua kênh tái chiết khấu, dòng tiền vào thị trường chứng khoán tăng lên. Theo chúng tôi, nguyên nhân chính của việc thị trường chứng khoán Việt Nam không tốt so với các thị trường ASEAN kể từ tháng 5 là do vấn đề nợ xấu của ngân hàng làm tổn thương nền kinh tế.
Vậy theo ông, những nhân tố nào ảnh hưởng quyết định tới thị trường chứng khoán năm 2013?
Chúng tôi cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ vẫn gặp nhiều thách thức trong năm 2013 cho tới khi vấn đề nợ xấu được giải quyết và tăng trưởng tín dụng được khôi phục. Nợ xấu ngân hàng là vấn đề cấp bách cần được giải quyết để Việt Nam có thể khôi phục tăng trưởng mạnh trở lại. Nhìn chung, các doanh nghiệp thường cần phải tăng nguồn tín dụng từ ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng tỷ lệ tăng trưởng đang gặp trở ngại vì các doanh nghiệp không thể tiếp cận được được nguồn tín dụng ngân hàng.
Tăng trưởng kinh tế bị hạn chế đồng nghĩa với việc tăng trưởng lợi nhuận không tốt. Điều này làm tâm lý của cả nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lẫn trong nước xấu đi. Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư cá nhân cũng bị tổn thương bởi tín dụng (margin) cho chứng khoán bị hạn chế do tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống yếu và quy định kiểm soát chặt chẽ hơn.
Một lý do khác mà chúng tôi nghĩ thị trường có thể đi ngang trong 6 tháng tới là vấn đề “vách đá tài chính” ở Mỹ. Việc này có thể ví như “đậy nắp vung” lên thị trường chứng khoán thế giới trong năm 2013 sau khi các điều khoản của đạo luật kiểm soát ngân sách có hiệu lực. Nhiều người thậm chí lo sợ rằng điều này sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái khác.
Ông đánh giá ra sao về các vấn đề khác liên quan đến thị trường chứng khoán năm 2013?
Từ 2007 - 2010, dư nợ cho vay ở Việt Nam tăng trưởng bình quân 35% mỗi năm, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế của thời kỳ đó. Một vài khoản vay vượt quá giới hạn trong thời gian này được đưa vào các dự án bất động sản và trở thành những khoản nợ xấu. Tuy nhiên, tình trạng này hiện nay đã đảo ngược và tín dụng thì đang tăng trưởng quá chậm để có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Về mặt kinh tế thực, chúng ta đang ở giữa chu kỳ hồi phục, nhưng việc hồi phục đang quá chậm vì doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng khi mà vấn đề nợ xấu khiến các ngân hàng miễn cưỡng cho vay. Thị trường bất động sản có thể đang ở gần đáy khi giá bất động sản đã giảm khoảng 30% trong năm nay và sự giảm giá này có thể tăng sức mua, tạo điều kiện để giúp giải quyết nợ xấu.
Cho dù không có giải pháp nào cho vấn đề nợ xấu thì tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng có thể đạt khoảng 10% trong năm 2013 nhờ lãi suất giảm và nhu cầu trong nước tăng nhẹ. Mức tăng trưởng lợi nhuận này được coi là khá hấp dẫn khi chỉ số P/E bình quân của thị trường chỉ ở khoảng 8 lần, chúng tôi không nghĩ thị trường có thể giảm thêm hơn nữa. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có thể sẽ đi ngang trong suốt 6 tháng đầu năm 2013 cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng về việc Chính phủ sẽ giải quyết các vấn đề tồn đọng hiện nay.
Nguồn Đầu tư chứng khoán