Bộ Xây dựng cũng có động thái quyết liệt khi ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Ảnh: baoquangninh.com.vn

 
Vũ Thiện Thứ Hai | 02/08/2021 12:30

Giảm đau kinh tế bằng đầu tư công

Cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và lan rộng, đẩy mạnh đầu tư công được kỳ vọng trở thành liều thuốc giảm đau cho nền kinh tế.

Hụt hơi đầu năm

Áp lực từ làn sóng COVID-19 vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh lao đao. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, có 11.700 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường mỗi tháng, tương đương gần 400 doanh nghiệp mỗi ngày. Trước tình cảnh dòng chảy kinh tế bị tắc nghẽn ở khắp mọi nơi, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là khu vực đầu kéo của nền kinh tế, là liều thuốc giảm đau giúp tăng trưởng GDP đạt được mục tiêu.

Theo dự báo của cơ quan quản lý, trong giai đoạn 2021-2025, giải ngân vốn đầu tư công cứ tăng 1% so với năm trước thì sẽ kéo GDP tăng thêm 0,058%. Không chỉ có tác động trực tiếp, đầu tư công còn có tính lan tỏa và dẫn dắt đến nhiều nhóm ngành liên quan như bất động sản, vật liệu xây dựng, hạ tầng... Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công hiện nay sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước (bao gồm khối tư nhân và khối FDI), cao hơn 0,19 đồng so với năm 2019.

Trước tính lan tỏa và hiệu quả từ khu vực đầu tư công, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt ngay từ đầu năm, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được công bố ở mức 2,5 triệu tỉ đồng, sau đó nâng lên 2,87 triệu tỉ đồng vào ngày 24.5, tăng hơn 43% so với mức 2 triệu tỉ đồng của giai đoạn 2016-2020.

Tuy vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 171.900 tỉ đồng, mới hoàn thành vỏn vẹn được 36,8% kế hoạch năm. Đáng chú ý, theo số liệu từ Bộ Tài chính tính tới ngày 31.5, giải ngân tại địa phương mới chỉ bằng 1,73% dự toán. Trong đó, mới chỉ có 15/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 3% và tới 37/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân 0%. Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định, tỉ lệ giải ngân như trên là rất thấp, thấp hơn hẳn tỉ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020 (vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 7,19%).

Theo bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), lý do cho sự chậm trễ trên là vì kế hoạch đầu tư công năm nay trùng với giai đoạn xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021-2025 tại các vùng, địa phương. Vì vậy, những dự án triển khai từ đầu năm chủ yếu từ các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, trong khi các quy hoạch phát triển tại từng vùng, địa phương bao gồm quy hoạch về đầu tư công khả năng tới cuối năm nay hoặc năm 2022 mới dần được hoàn thiện và thông qua.

Bên cạnh đó, đà tăng giá của các loại vật tư, vật liệu đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả thực hiện dự án. Đặc biệt, giá thép tăng cao đã ảnh hưởng tới cơ cấu chi phí của các nhà thầu xây dựng, theo tính toán của một số nhà thầu, tỉ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12-15% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình sẽ tăng thêm 1%.  

Ngoài các nguyên nhân khách quan, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, một lý do khác ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là vì nhiều dự án không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán, do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tiến trình triển khai chậm; chậm xử lý đơn rút vốn; điều chỉnh dự án... 

Tăng tốc cuối năm

Đứng trước sức ép giải ngân đúng kế hoạch, đồng thời tạo lực đẩy cho nền kinh tế, Chính phủ đang có những động thái quyết liệt, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn nửa cuối năm. Đồng thời, phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư Ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, đến hết quý III/2021, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.

Cùng giai đoạn, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt chậm nhất vào tháng 12.2021. Ngoài ra, các chủ đầu tư phải đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch đến hết tháng 12.2021 và đến tháng 1.2022 phải giải ngân 100%.

Bộ Xây dựng cũng có động thái quyết liệt khi ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Trong đó, nêu rõ đến hết ngày 31.12, phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2021 được giao. Ngoài ra, định kỳ trước ngày 20 hằng tháng, các chủ đầu tư phải báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công về Bộ Xây dựng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin báo cáo. 

Cùng giai đoạn, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt chậm nhất vào tháng 12.2021.
Cùng giai đoạn, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt chậm nhất vào tháng 12.2021.

Ngoài sự quyết liệt của bộ ngành và Chính phủ, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng ý rằng đầu tư công là khu vực có tính miễn nhiễm cao với dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào đang có xu hướng ổn định và các khu vực kinh tế khác hầu như đang bị đóng băng. Do đó, theo góc nhìn vĩ mô, giai đoạn này nên tập trung và đầu tư mạnh vào khu vực đầu tư công và cơ sở hạ tầng.

Ở góc nhìn đầu tư cá nhân, Agriseco Research cho rằng các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đồng thời hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công sẽ là cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới. Cụ thể, các nhóm ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, xây dựng, thi công công trình, logistics và cảng biển sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng này. Ngoài ra, nhóm ngành ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi được tăng cường cấp tín dụng giải ngân trong lĩnh vực đầu tư công.