Giải pháp nào cho xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam?
Hụt hơi tại nhiều thị trường
EU là thị trường lớn nhất của xuất khẩu nhuyễn thể Việt Nam, nhất là sản phẩm mực, bạch tuộc, nhưng liên tục giảm từ đầu năm 2013 đến nay. Quý I năm nay, tính đến 15/3, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang EU chỉ đạt 10,647 triệu USD, giảm 10,2% so cùng kỳ năm trước; tại thị trường Nga đạt 727 triệu USD (giảm 34,1%); tại Nhật Bản tăng trưởng âm 10,2%; tại thị trường Đài Loan xuất khẩu mực và bạch tuộc giảm 1,4%.
Với sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ, giá trị xuất khẩu chỉ 12,085 triệu USD (tính đến 28/2), giảm 15,1% so cùng kỳ năm ngoái; tại thị trường lớn như EU cũng chỉ đạt 8,072 triệu USD (giảm 23%), Nhật Bản 1,537 triệu USD (giảm 2% so cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên, xuất khẩu nhuyễn thể sang Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc lại khả quan. Nếu như năm 2013, giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường này cùng giảm thì 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu sang cả 3 thị trường này lại tăng khá so cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến tới 4 con số; xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc tăng lần lượt 10,3% và 19,9%. Đặc biệt, Mexico đã lọt vào danh sách 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam, thay thế Canada, với giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm tại thị trường này tăng gần 250% so cùng kỳ năm ngoái.
Do nhu cầu nhập khẩu mặt hàng nhuyễn thể tại nhiều thị trường lớn đồng loạt giảm, giá nhập khẩu cũng có xu hướng giảm theo, nên dự báo những quý đầu năm 2014 tiêu thụ vẫn chưa khả quan, giá trị xuất khẩu có tăng nhưng vẫn chậm.
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Khó khăn tại thị trường nhập khẩu khiến doanh nghiệp thủy sản trong nước gặp trở ngại. Tại Kiên Giang, nhiều doanh nghiệp mua, chế biến, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đang đứng trước nguy cơ phải đền bù hợp đồng cho các đơn hàng trị giá hàng triệu USD và hàng nghìn công nhân sắp mất việc làm do không có nguyên liệu chế biến. Khó khăn này do sự thay đổi thủ tục hành chính tại quy định của Thông báo 72/TB-SNNPTNT ngày 3/12/2013, Sở NN&PTNT Kiên Giang và việc Cơ quan Chất lượng Nam bộ thông báo tạm đình chỉ thu hoạch đối với vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ thuộc quần đảo bà Lụa (huyện Kiên Lương).
Do các doanh nghiệp xuất khẩu phải ký trước nhiều hợp đồng nghêu lụa cho khách hàng với tổng khối lượng 20.000 - 30.000 tấn trong năm nay và trị giá đơn hàng lên tới hàng triệu USD nên với thông báo này các doanh nghiệp không kịp thay đổi kế hoạch. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không mua được nguyên liệu cho các hợp đồng đã ký và cũng không có giấy chứng nhận xuất xứ cho mỗi đơn hàng đi các thị trường lớn như EU, Mỹ, New Zealand.
Một phần của tình trạng thiếu nguyên liệu là do tình hình nuôi nhuyễn thể gặp khó khăn do dịch bệnh, nhất là trên nghêu những năm qua chưa có dấu hiệu phục hồi và giải quyết triệt để.
Để chủ động được nguyên liệu cho sản xuất, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, 7 tỉnh ven biển ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) đã đề ra kế hoạch mở rộng diện tích nuôi nhuyễn thể, chủ yếu là nghêu và sò huyết lên 28.000 ha trong năm 2015, tăng 5.600 ha so năm 2013; sản lượng đạt hơn 206.000 tấn, trong đó có hơn 142.000 tấn nghêu; phấn đấu xuất khẩu đạt 188 triệu USD.
Tại tỉnh Quảng Ninh, các tập thể, doanh nghiệp và hộ gia đình đang phát huy mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển và mở rộng nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi biển (nuôi cá biển và nhuyễn thể...). Đã xác định một số giải pháp ưu tiên trong thời gian tới; trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn, nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trại giống nhuyễn thể và vùng ươm giống để sản xuất 1,5 tỷ con giống nhuyễn thể sạch bệnh, chất lượng cao. Cùng đó, đầu tư nghiên cứu, tiếp nhận một số công nghệ sản xuất giống thuỷ sản (như ngao, ngán...).
Nguồn Thủy sản Việt Nam