Trong khi chờ đợi du lịch hàng không quốc tế hồi phục, vận chuyển hàng không sẽ chủ yếu nằm trong tay các đơn vị vận tải hàng hóa như FedEx, DHL Express... Ảnh: VCP
Giải nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng
Khi châu Á cùng lúc chịu những tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ - Trung, những hạn chế trong chuyển giao công nghệ giữa phương Đông - phương Tây và dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát mạnh mẽ, nhiều người lo ngại chuỗi cung ứng châu Á sẽ đối mặt với không ít thách thức.
Nỗ lực duy trì sản xuất
Tuy nhiên, ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khối nghiên cứu kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC, quan sát thấy, chuỗi cung ứng tại châu Á vẫn duy trì khả năng cạnh tranh cao, với hàng hóa xuất xưởng đều đặn ở quy mô và giá cả mà không nhiều khu vực có thể sánh kịp. Có thay đổi chăng là các nhà nhập khẩu dần chuyển chú ý sang Đông Nam Á. Đơn cử, tỉ lệ nhập hàng của Mỹ từ ASEAN trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng thêm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Riêng tại Việt Nam, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt 37,6 tỉ USD, tăng 49,8%.
Điều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm lúc này là làm sao để những giải pháp phòng chống dịch không ảnh hưởng đến sản xuất và không làm gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa.
Tỉnh Bắc Ninh từng ước tính, nếu các khu công nghiệp Bắc Ninh tạm dừng hoạt động trong 2 tuần thì sẽ làm giảm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh hơn 4% và gây thiệt hại khoảng 50.000 tỉ đồng. Vì thế, khi tình hình dịch bệnh tương đối lắng dịu, Bắc Ninh cho phép toàn bộ doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động trở lại bình thường và người lao động từ các tỉnh, thành khác có thể đến Bắc Ninh làm việc.
Ở TP.HCM dù đang là tâm dịch nhưng các doanh nghiệp vẫn quyết tâm duy trì sản xuất liên tục. Bởi như ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chia sẻ: “Nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU đã bắt đầu phục hồi. Số lượng đơn hàng đang có xu hướng tăng trở lại. Nếu doanh nghiệp trong nước không cung ứng đủ thì sẽ bỏ lỡ cơ hội nắm giữ thị phần”.
Nhưng để đảm bảo kinh doanh liên tục, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, chia sẻ: “Phải có “3 cần” và “3 không”. “3 cần” là cần đảm bảo dòng tiền, cần ứng dụng công nghệ và cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo. “3 không” là không bị động, không gián đoạn, không chạm”. Ông Lê Thành Liêm, thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc Điều hành Tài chính Vinamilk, cũng cho rằng công nghệ là yếu tố quan trọng, nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên thì mới có thể đảm bảo được kinh doanh không gián đoạn. Nhân viên cũng cần được đào tạo để biết cách tiếp cận công cụ mới, thích nghi với bối cảnh mới.
Đảm bảo thông suốt vận chuyển hàng hóa
Ngoài việc lên phương án vừa chống dịch vừa sản xuất và chú ý tính an toàn cho đội ngũ lao động, việc duy trì chuỗi cung ứng sản xuất ở doanh nghiệp còn tùy thuộc vào nguồn cung nguyên liệu và vận chuyển hàng hóa. Để lấy tốc độ bù vào thời gian bị kéo giãn do vận hành khó khăn dưới tác động của đại dịch, các hãng sản xuất có xu hướng chọn vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
Trong khi chờ đợi du lịch hàng không quốc tế hồi phục, vận chuyển hàng không sẽ chủ yếu nằm trong tay các đơn vị vận tải hàng hóa như FedEx, DHL Express... Ông Hardy Diec, Giám đốc Điều hành FedEx Express Indochina, nhấn mạnh: “Tiếp tục tối đa hóa mạng lưới hàng không và dung lượng là cách để FedEx giữ cho chuỗi cung ứng vận hành trơn tru”.
FedEx đã xem đầu tư cho hệ thống hàng không toàn cầu là trọng tâm. Tính đến nay, FedEx sở hữu hơn 680 máy bay vận chuyển. Ông Hardy Diec cho biết, đầu tư này cho phép FedEx giữ được khả năng kiểm soát trước những tình huống khó khăn, không dừng vận hành ở bất kỳ điểm nào, giữ vững vị thế và thích nghi nhanh, nắm bắt cơ hội với những thay đổi bất ngờ. Kết quả là năm ngoái, FedEx đã tăng đáng kể số lượng chuyến bay chở hàng ở châu Á. Trong đó, những chuyến hàng giữa châu Á - châu Âu tăng gần 50%.
DHL đầu tư chuyến bay riêng bằng dòng máy bay Airbus A330 để chuyên chở hàng hóa trực tiếp từ Trung tâm Trung chuyển châu Á của DHL Express tại Hồng Kông đến TP.HCM và ngược lại. |
DHL Express cũng đã mở thêm 5 chuyến bay thẳng mỗi tuần từ Hồng Kông đến Penang (Malaysia) trên máy bay Airbus A300 với trọng tải 54 tấn, góp phần tăng sức tải và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, máy bay A330 có thể vận chuyển lên đến 62 tấn hàng/chuyến với các mặt hàng như thời trang, vật liệu và phụ kiện may mặc, hàng điện tử…
Riêng thị trường Việt Nam, để tăng năng lực chuyên chở, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, DHL Express dự kiến nâng cấp máy bay tuyến Hà Nội - Hồng Kông từ Boeing 737-400 lên Boeing 737-800. Ông Ken Lee, Tổng Giám đốc DHL Express khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng, nỗ lực này là để DHL Express có thể chuyển phát các lô hàng đến tay người nhận trong vòng 1 ngày. Hiện DHL Express sở hữu đội máy bay riêng gồm 23 chiếc và 4 trung tâm chỉ ở riêng châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu vận tải biển, nhất là với những hàng hóa nặng, cồng kềnh. Hiện dịch bệnh đã khiến vận tải biển gặp nhiều khó khăn, thiếu container rỗng và tạo ra khủng hoảng cho ngành này khi hàng giao chậm, bị phong tỏa hoặc tắc nghẽn ở các cảng...
Chỉ số giá cước vận tải container thế giới trung bình đã tăng gần 300% chỉ trong một năm qua, theo Drewry Shipping. Giá cước cao ngất ngưỡng đến mức Gary Grant, sáng lập chuỗi cửa hàng đồ chơi The Entertainer, phải dừng nhập khẩu gẩu bông Teddy từ Trung Quốc. Còn Alan Murphy, Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn Sea-Intelligence, cũng nhận thấy, chi phí vận tải biển đang chiếm đến 62% giá bán lẻ của một số mặt hàng nội thất ở châu Âu.
Giữa lúc các hãng vận tải biển đang chật vật trong dịch, những hãng logistics như FedEx đã nhìn thấy cơ hội từ việc ký kết các hiệp định như EVFTA, sự phát triển của thương mại điện tử và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)... FedEx có những chương trình, công cụ, giải pháp dịch vụ riêng như thanh toán trực tuyến (FedEx Billing Online), văn bản giao dịch điện tử (FedEx Electronic Trade Documents)... để giúp doanh nghiệp SME tạo dựng hệ sinh thái thương mại điện tử. Ông Hardy Diec cho rằng: “SME muốn phát triển bền vững trong tương lai, thì thương mại điện tử là cánh cổng và logistics là chìa khóa mở cánh cổng đó”.
Vừa phòng chống dịch, duy trì sản xuất, các công ty còn phải chuẩn bị đón làn sóng mới khi cánh cửa kinh tế thế giới mở ra trở lại. Trong đó, ông Hardy Diec khẳng định: “Chuyển đổi số là con đường mang tới lợi nhuận” .