Giải ngân vốn FDI có thể đạt 12,5 tỷ USD
“Đây là một kết quả tích cực và nguyên nhân là do một số dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư từ các năm trước đang giải ngân rất nhanh”, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói và cho biết, dự kiến cả năm nay, vốn thực hiện có khả năng tăng 8,7% so với năm 2013, đạt 12,5 tỷ USD.
Đó là một thực tế, bởi chưa tính các dự án có quy mô nhỏ và vừa, những tháng gần đây, các dự án FDI quy mô lớn, đặc biệt là các dự án tỷ USD dồn dập giải ngân. Tháng 3/2014, Dự án Samsung Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức đi vào hoạt động sau 1 năm xây dựng và tính đến thời điểm này, SEVT đã giải ngân được khoảng 1,4 tỷ USD. Trong khi đó, Dự án Samsung Bắc Ninh (SEV) cũng giải ngân được 1,73 tỷ USD, đóng góp lớn cho giải ngân vốn FDI của cả nước.
Chưa kể, tại các dự án quy mô lớn khác, như Formosa Hà Tĩnh, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công trường xây dựng cũng đang rất sôi động.
Thông tin mới nhất, Formosa vừa xin đưa khoảng 8.400 người lao động nước ngoài vào làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng, nhằm bù đắp số lượng người lao động đã về nước sau sự kiện ngày 14/5. Thêm lao động, Formosa kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án thép 10 tỷ USD, mà vì sự cố hồi giữa tháng 5 vừa qua, khiến khả năng đưa lò cao số 1 đi vào hoạt động trong tháng 5/2015 là rất khó.
Tuy vậy, thông tin từ Formosa cho biết, trong tổng vốn đầu tư 9,9 tỷ USD của Dự án, 3,5 tỷ USD là vốn chủ sở hữu. Hiện toàn bộ số tiền này đã được chuyển vào Việt Nam và giải ngân hết. Thậm chí, tính đến hết tháng 6/2014, khoảng 4,2 tỷ USD đã được đưa vào thực hiện.
“Tập đoàn đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy Dự án theo kế hoạch. Ngoài 4,2 tỷ USD đã giải ngân, từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ giải ngân tiếp 2,1 tỷ USD nữa”, ông Vương Văn Tường, Phó tổ trưởng Tổ quản lý dự án Formosa Hà Tĩnh nói.
Diễn biến tích cực của việc giải ngân vốn FDI khiến Cục Đầu tư nước ngoài đặt mục tiêu năm 2015, sẽ giải ngân khoảng 13 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong khi vốn FDI giải ngân đang diễn biến tích cực, thì vốn FDI đăng ký và tăng thêm lại vẫn đang trong xu hướng giảm. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 8 tháng đầu năm, 992 dự án FDI đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD, tăng 29% về số dự án và giảm 2,1% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, có 349 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm là 2,98 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng qua đạt trên 10,2 tỷ USD USD, giảm 19,0% so với cùng kỳ năm 2013.
“Vốn đăng ký giảm có nguyên nhân là do số lượng dự án quy mô lớn trong năm nay không nhiều, trong khi năm 2013 có nhiều dự án quy mô lớn được cấp phép”, ông Nội phân tích và cho biết, nhiều khả năng trong năm nay, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 17-18 tỷ USD, đạt mục tiêu so với kế hoạch đề ra, nhưng chỉ bằng 80% so với năm 2013.
“Ngay từ ban đầu, đặt kế hoạch cho năm 2014, chúng tôi cũng dự đoán ít có dự án lớn, do vậy, vốn FDI đăng ký năm nay khó có thể bằng con số năm trước”, ông Nội nói.
Có nhiều lý do giải thích cho việc vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục xu hướng sụt giảm so với năm trước. Chuyện môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự được cải thiện một cách đột phá so với các thị trường trong khu vực cũng đã được nhắc đến. Song theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phải nhìn vào thực tế, sau vụ việc ngày 13-14/5, vẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, đã cho thấy họ tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng và môi trường đầu tư của Việt Nam. Ông Đông cũng đã nhắc đến việc Samsung Display vừa nhận giấy chứng nhận đầu tư 1 tỷ USD ở Bắc Ninh, đồng thời, Tập đoàn Samsung cũng đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư trên 1 tỷ USD vào TP.HCM để chứng minh điều này.
Nếu cần thêm bằng chứng, có thể lấy thông tin gần đây rất được các phương tiện truyền thông quan tâm để khẳng định xu hướng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang tích cực. Đó là việc Tập đoàn Microsoft, sau khi mua lại Bộ phận Thiết bị của Nokia, đã quyết định thay đổi chiến lược phát triển bằng cách biến nhà máy Nokia Việt Nam đóng vai trò chủ lực trong sản xuất thiết bị điện thoại di động của Tập đoàn. 39 dây chuyền sản xuất đang được chuyển về Việt Nam và Nokia Việt Nam, thay vì chỉ sản xuất điện thoại di động cơ bản trước đây sẽ sản xuất cả smartphone. Đương nhiên, cùng với việc mở rộng sản xuất ở Bắc Ninh, sẽ là tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng giải quyết việc làm và đóng góp cho Việt Nam.
Trong khi đó, Wintek (Đài Loan), cũng đang lên kế hoạch thuê thêm 100 ha để mở rộng sản xuất ở Bắc Giang, với quy mô vốn tương tự với nhà máy hiện tại. Wintek Bắc Giang, chuyên sản xuất màn hình cảm ứng và màn hình tinh thể lỏng, hiện có vốn đầu tư 1,12 tỷ USD. Và thông tin trên có nghĩa rằng, sắp tới, một khoản đầu tư lên tới cả tỷ USD cũng sẽ được Wintek đổ vào Việt Nam.
“Chưa kể một loạt dự án quy mô lớn, ví dụ Lọc hóa dầu Nhơn Hội, cụm Khí - điện của Exxon Mobil và khoảng 9 dự án BOT điện quy mô hàng tỷ USD… Nếu các dự án này được cấp chứng nhận đầu tư, thì vốn FDI đăng ký mới sẽ tăng lên nhanh chóng”, ông Nội cho biết.
Nhưng điều quan trọng nhất, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đó là khoảng cách giữa vốn FDI đăng ký và giải ngân đang dần được thu hẹp. “Đừng chỉ nhìn vào con số trên 70 tỷ USD vốn đăng ký năm 2008 để nói vốn FDI vào Việt Nam suy giảm. Năm đó là trường hợp đặc biệt, hơn nữa có nhiều dự án ảo, nay đã phải rút giấy phép. Phải nhìn vốn FDI giải ngân tích cực và khoảng cách đăng ký - giải ngân thu hẹp để mừng”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Nguồn Báo Đầu Tư