Đầu tư công được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: baodautu.vn
Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm
Hiện nay, trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn do hệ lụy từ lạm phát và tăng lãi suất, Chính phủ đang sử dụng các công cụ từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều tiết vĩ mô, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.
Đối với chính sách tài khóa, từ đầu năm đến nay, chi tiêu công đang được đẩy mạnh khi Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023. Cùng với đó là giải ngân các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đạt trên 84.000 tỉ đồng; đẩy nhanh tiến độ, giao kế hoạch vốn Ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, đầu tư công vốn dĩ được kỳ vọng sẽ trở thành đầu kéo tăng trưởng lại đang cho thấy sự suy yếu. Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỉ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%).
Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm 2023 có 3 Bộ và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số Bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%). Có 47/52 Bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4/2023, Lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Kết quả cho thấy một số vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến công tác giải ngân như: Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp; Một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án.
Do vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư; Một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân; Vướng mắc do giá vật liệu xây dựng tăng, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định về phương án thiết kế đối với dự án không có cấu phần xây dựng.
Có thể bạn quan tâm
23.500 tỉ đồng chi trả quyền lợi bảo hiểm
Nguồn Theo Bộ Tài chính