Vốn FDI giải ngân tại Việt Nam đạt gần 11,57 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Nikkei Asia

 
Cẩm Tú Chủ Nhật | 31/07/2022 09:47

Giải ngân FDI tăng mạnh, tạo số việc làm cao kỷ lục

Trong 7 tháng đầu năm ở khối FDI, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 59,3% và 25,7%, tạo 5,1 triệu việc làm.

Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố vốn FDI giải ngân tại Việt Nam tăng khá mạnh, ước đạt gần 11,57 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù số vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 59,3% và 25,7%.

Trong 7 tháng năm 2022, đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong đó, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỉ USD, chiếm 23,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore với 1,22 tỉ USD, chiếm 21,3%; Trung Quốc 651,4 triệu USD, chiếm 11,4%; Hàn Quốc 567,8 triệu USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản 534,8 triệu USD, chiếm 9,3%...

Vốn đăng ký điều chỉnh có 579 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,24 tỉ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,37 tỉ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,06 tỉ USD, chiếm 15,9%; các ngành còn lại đạt 1,53 tỉ USD, chiếm 11,8%.

Quy mô doanh nghiệp nước ngoài được mở rộng chủ yếu dựa trên sự phát triển của nhân tố vốn. Ảnh: The Loadstar
Quy mô doanh nghiệp nước ngoài được mở rộng chủ yếu dựa trên sự phát triển của nhân tố vốn. Ảnh: The Loadstar

Hiện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 2 là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỉ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ; thông tin truyền thông...

Khu vực doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng số doanh nghiệp nhanh nhất trong ba khu vực và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng số việc làm tạo ra tại khu vực doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp FDI là 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,3% tổng số doanh nghiệp, tăng 58,8% so năm 2016; thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 34,6%, tăng 22,5% so với năm 2016.

Tuy nhiên theo nhận định của TCTK, quy mô doanh nghiệp nước ngoài được mở rộng chủ yếu dựa trên sự phát triển của nhân tố vốn thay vì nhân tố lao động.

Có thể bạn quan tâm: 

Năm 2025, Việt Nam sẽ trong nhóm dẫn đầu về ứng dụng nhà máy thông minh