Giải ngân 6,15 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng đầu năm
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Cơ quan này cũng ước tính đến ngày 20/5/2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong giai đoạn này, cả nước có 939 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,59 tỷ USD, bằng 73,9% so với cùng kỳ năm 2016. Có 437 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,74 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ. Đồng thời, cũng có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,79 tỷ USD, tăng 116,2% so với cùng kỳ.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 8,09 tỷ USD, chiếm 66,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,28 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.
Hàn Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 4,41 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,94 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn. Singapore đứng thứ ba với 1,23 tỷ USD vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,76 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai với 1,64 tỷ USD, TPHCM đứng thứ ba với 1,39 tỷ USD.
Trường Văn