Thứ Bảy | 14/03/2015 15:54

Giải ngân 12,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2014

Tính chung trong năm 2014 tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 21,92 tỷ USD, bằng 98,1% so với năm 2013.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cả năm 2014.

Theo báo cáo của các địa phương trong cả nước năm 2014 có 1.843 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 16,5 tỷ USD, tăng 14 % so với cùng kỳ năm 2013 và 749 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,41 tỷ USD, bằng 68,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính chung trong năm 2014 tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 21,92 tỷ USD, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong năm 2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 12,5 tỷ USD, tăng 8,7 % với cùng kỳ năm 2014.

Năm 2014 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 880 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,5 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,83 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,08 tỷ USD.

Không kể dầu khí ngoài khơi, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh thành phố. Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,35 tỷ USD, chiếm 15,3% vốn đăng ký. TPHCM đứng thứ hai với 3,26 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư. Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,83 tỷ USD, chiếm 8,4% vốn đăng ký.

Năm 2014, trong 6 Vùng kinh tế của cả nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài dẫn đầu là vùng Đông Nam Bộ với tổng vốn cấp mới và tăng vốn là 7,79 tỷ USD chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư, đứng thứ hai là vùng Đồng bằng Sông Hồng với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 6,98 tỷ USD chiếm 32% tổng vốn đầu tư cả nước, đứng thứ 3 là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 3,73 tỷ USD cấp mới và tăng thêm. Tây Nguyên là vùng có ít dự án đầu tư nhất cả nước, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm chỉ đạt 34,03 triệu USD chiếm 0,2% tổng vốn đầu tư.

Trong năm 2014 đã cấp được 4 dự án cấp mới với số vốn lớn trên 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư 4 dự án là 6,65 tỷ USD chiếm 30,5% tổng vốn đầu tư năm 2014. Trong 1.843 dự án cấp mới năm 2014, đã cấp được 4 dự án cấp mới với số vốn lớn trên 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư 4 dự án là 6,65 tỷ USD chiếm 30,5% tổng vốn đầu tư năm 2014.

Còn lại 69,5% vốn đầu tư là những dự  án có quy mô vốn vừa và nhỏ, trong đó dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD chỉ chiếm 11,5% số dự án và 47,5% vốn đầu tư. Riêng những dự án có vốn đầu tư với quy mô vốn nhỏ dưới 1 triệu USD chiếm 56% số dự án đăng ký nhưng chỉ chiếm 2% vốn đầu tư.

Một số dự án lớn được cấp phép trong năm 2014 là Dự án Tổ hợp công nghệ cao Sam Sung  Thái Nguyên – giai đoạn 2 nhà đầu tư  Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam  Thái Nguyên – Hàn Quốc, dự  án đầu tư tại KCN Yên Bình I, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD; dự án được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và gia công các sản phẩm điện, điện tử; Dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex do nhà đầu tư Samsung Asia Pte.Ltd – Singapore đầu tư tại TPHCM với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD; dự án đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu sản phẩm, thiết bị điện tử công nghệ cao, các sản phẩm phần mềm tiên tiến; Dự án Công ty TNHH Dewan International do nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư tại Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,25 tỷ USD; dự án với mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực xây dựng,phát triển toàn bộ khu vực bãi biển chính của Tp Nha Trang...

Theo đó, lũy kế đến 31/12/2014 đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 17.768 dự án, tổng vốn đăng ký 252,715 tỷ USD. Đầu tư tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 9.600 dự án, vốn đăng ký 141,4 tỷ USD, chiếm 54% số dự án và 56% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng, dịch vụ lưu trú,….

Về đối tác đầu tư, Hàn Quốc là đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 37,72 tỷ USD, chiếm 14,9%, tiếp theo là các đối tác Nhật Bản, Singapore, Đài Loan. Về địa bàn đầu tư, đầu tư nước ngoài đã có mặt tại 62 tỉnh trong cả nước (trừ tỉnh Điện Biên), trong đó dẫn đầu là TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội và Đồng Nai.

Nguồn DVO/FIA