zadn.vn
Giải món nợ công 3 triệu tỉ đồng
Nợ công năm 2017 dự kiến có thể tăng lên hơn 3 triệu tỉ đồng, nghĩa vụ trả nợ đang có xu hướng tăng lên, giảm chi thường xuyên vẫn là việc cấp bách.
Thuốc đặc trị bội chi và đầu tư dàn trải
Thêm một lần nữa, lời hứa “triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài; gắn bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; khoán chi hành chính, sử dụng xe công’’ được đưa ra tại Diễn đàn Quốc hội. Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017 được trình bày sau đó thể hiện một tín hiệu khả quan, dự toán bội chi năm 2017 là hơn 178.000 tỉ đồng, bằng 3,5% GDP, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Những nỗ lực tương tự cũng được ghi nhận trong hoạt động của các bộ ngành. Theo thông tin được công bố công khai, quý I/2017, Bộ Tài chính đã tiết kiệm được... 40,6 triệu đồng chi thường xuyên. Tháng 7, Bộ này ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bao gồm: tiết kiệm chi thường xuyên, giảm chi phí hội nghị hội thảo, khởi công động thổ, hạn chế đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài... Không chịu áp lực “tay hòm chìa khóa’’ nhưng tháng 10 vừa qua, Bộ Y tế cũng đã đưa ra chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với những quy định rõ ràng về định mức sử dụng điện, định mức xe công...
Những động thái nói trên có lẽ sẽ khiến dư luận có thể hy vọng cân đối chi tiêu sẽ trong tầm tay, gánh nặng nợ công từng bước rồi cũng được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn những sự thật không thể không nhìn vào.
Báo cáo kết quả kiểm toán Nhà nước năm 2016 cho thấy những bất hợp lý trong quản lý ngân sách từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Cụ thể, về vấn đề xe công vốn được dư luận hết sức quan tâm thời gian vừa qua. Dù được xác định là còn xe dôi dư so với định mức, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp gửi về Bộ Tài chính song vẫn mua sắm thêm xe phục vụ công tác và xe chuyên dùng.
Về việc chấp hành quy định, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; 33/46 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.382 tỉ đồng; một số đơn vị sử dụng nguồn cải cách, nguồn lương cho mục đích khác sai quy định là 617 tỉ đồng. Có thể thấy, những sự lãng phí do vô tình hoặc cố ý có thể tiêu tốn của ngân sách con số lớn gấp cả ngàn lần kết quả dù mỹ mãn nhất sau nỗ lực tiết kiệm theo cách nói trên của các bộ ngành, địa phương.
Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn cho rằng, nên nhìn vấn đề từ... gốc. Xét ở góc độ lợi ích cá nhân, chẳng ai không muốn chi thường xuyên bởi ở đó, có những lợi ích gắn chặt với họ. Dù rằng, vẫn có nhiều người vì lo lắng cho túi tiền quốc gia, cho tương lai con cháu không phải còng lưng gánh nợ mà không tư túi hay vung tay quá trán, nhưng để giảm chi hiệu quả, cách làm trên vẫn không khác gì việc thả gà ra đuổi.
“Điều đó nghĩa là phải tìm ra quy tắc chi tiêu hợp lý. Từng hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước đều có thể đo đếm và tính toán mức chi phí được, tại sao chúng ta lại không làm? Nếu điều hành theo cách này, sẽ giảm được sự trùng lặp, chồng chéo... về công việc và nhân sự, dẫn đến một bộ máy cồng kềnh mà vẫn không hiệu quả’’, ông Lê Cao Đoàn nhận định.
Theo cách tiếp cận này, chi phí cho bộ máy quản lý hành chính phải được nhìn nhận và quản lý như chi phí cho hoạt động của một chủ thể kinh doanh, với động lực tối ưu hiệu quả và giảm thiểu chi phí. Có như vậy mới chấm dứt những luẩn quẩn về bội chi, đưa việc quản lý tài khóa quốc gia tiệm cận với chuẩn mực chung của các quốc gia phát triển trên thế giới.
Quả thật, kỳ vọng của vị chuyên gia kinh tế nếu thành sự thật không chỉ giúp tiết giảm mà còn minh bạch hóa chi tiêu, hạn chế tối đa những con sâu tham nhũng nhìn vào túi tiền nhà nước. Song song đó, vấn nạn đầu tư công tràn lan, lỗ hổng tham nhũng, thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, làm phân tán nguồn lực quốc gia cũng sẽ được giảm thiểu.
Không thể lờ đi thực tế này bởi chính Báo cáo kiểm toán Nhà nước năm 2016 đã ghi nhận, sau kiểm toán 1.228 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm trừ 12.399 tỉ đồng. Thậm chí, người ta còn e ngại, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chuyên gia Lê Cao Đoàn thẳng thắn: “Những dự án kéo dài thêm cả 5-10 năm, đội vốn cả ngàn tỉ đồng mà không xác định ai phải chịu trách nhiệm. Chi cho bộ máy hành chính đã khó tiết kiệm, chi đầu tư càng khó tiết kiệm hơn’’.
Như Tiến sĩ Lưu Bích Hồ đưa ra giải thích về nợ công tăng nhanh là do mô hình tăng trưởng đã lạc hậu. Vừa qua, chúng ta đầu tư rất nhiều, hiệu quả thấp tăng trưởng chậm buộc lòng vẫn phải đầu tư thêm. Càng đầu tư nhiều, hiệu quả vẫn thấp thì phải vay nợ, nợ công theo đó tăng lên.
Chuyên gia Lê Cao Đoàn khẳng định lại quan điểm, phải có những “ông chủ’’ xác định cho các dự án đầu tư công, vì lợi ích của chính họ mà sẽ quản lý tốt dự án, từ đó, tạo ra những nguồn lực mới cho nền kinh tế. Điều này càng cần thiết hơn ở những dự án đầu tư công đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan’’, không đầu tư thêm thì mất trắng cả ngàn tỉ, mà rót thêm vốn trong khi không thay đổi cách quản lý, rủi ro sẽ nhân lên gấp đôi. Chúng ta đang tiến tới một nền kinh tế thị trường toàn diện, không có cớ gì chúng ta lại ngần ngại áp dụng cách quản lý theo nguyên lý thị trường như vậy.
Vẫn đợi hành động
Tất nhiên, những khuyến nghị của vị chuyên gia kinh tế không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, vì vậy, quan điểm đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) có thể được xem là thực tế hơn. Theo vị đại biểu này, việc đầu tiên cần làm là nghiêm túc tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước, giảm chi phí tiền lương. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến hiện tượng thừa cấp phó ở các cấp quản lý từ phòng ban tới vụ, sở, bộ; sáp nhập phòng ban, tổ chức đã được mở ra một cách tùy tiện như trường hợp 5 siêu ban với gần 1.000 cán bộ ở Hà Nội được phản ánh thời gian vừa qua. Thứ 2, cần xã hội hóa những công việc mà tư nhân có thể làm được như: công chứng, giao quyền tự chủ cho bệnh viện, trường đại học... Thứ 3, thực hiện khoán chi trong các lĩnh vực chi tiêu công như khoán phương tiện, khoán định mức sử dụng điện...
Đối với các dự án đầu tư công mới, ông Nguyễn Ngọc Phương đưa ra yêu cầu, phải điều tra kỹ, duyệt chi rồi sẽ không chấp nhận phát sinh. Trong trường hợp phát sinh, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Những dự án đang xin bổ sung vốn, trước khi duyệt thêm, phải thẩm định rõ nguyên nhân đội vốn và xử lý sai phạm nếu có, làm dứt điểm để không lặp lại tình trạng tương tự.
“Giảm chi tiêu công là định hướng nằm trong chủ trương thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm trong đầu tư. Đây là chủ trương rất đúng, được đại biểu và nhân dân ủng hộ nên chắc chắn sẽ có hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương lạc quan. Sẽ lý tưởng hơn nhiều nếu nền kinh tế được tiếp sức nhờ những điều chỉnh tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước.
Khi bộ phận kinh tế tư nhân không bị chèn ép bởi những đặc quyền đặc lợi của khối doanh nghiệp nhà nước, bình đẳng hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực xã hội, chắc chắn, phần đóng góp lại cho GDP sẽ ấn tượng hơn con số 40% hiện tại. Tin tưởng vào nguồn thu để trả nợ công, người dân an lòng hơn dù cảnh báo gánh nợ công lên tới hơn 3 triệu tỉ đồng có thể vẫn văng vẳng bên tai.
Hoàng Hạnh