Giải mã dòng vốn ngoại
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chảy vào TTCK bất ngờ tăng đột biến vào cuối năm 2012, qua đó đưa tổng vốn FII tăng 25% so với năm 2011.
Bất ngờ ở phút… 89!
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nếu như dòng vốn FII vào thuần tính đến hết tháng 10/2012 giảm 60% so với cùng kỳ năm 2011, thì trong tháng 11 và 12/2012 ghi nhận bước tăng trưởng đột biến, khi đạt gần 230 triệu USD. Diễn biến này làm cho dòng vốn FII cả năm 2012 tăng 25% so với năm 2011.
Tín hiệu tích cực của dòng vốn ngoại tiếp tục thể hiện trong các phiên giao dịch đầu năm 2013. Phiên giao dịch ngày 2/1, NĐT nước ngoài mua ròng hơn 89 tỷ đồng, phiên 3/1 mua ròng gần 130 tỷ đồng. Con số tuyệt đối tuy không lớn, nhưng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và TTCK đối mặt với nhiều khó khăn, thì đó là một tín hiệu tích cực.
Ghi nhận từ thị trường, cũng như nhận định từ cơ quan quản lý cho thấy, có khá nhiều yếu tố thu hút dòng vốn ngoại. Cả hai yếu tố NĐT ngoại vốn thường xuyên quan ngại hàng đầu là tỷ giá bất ổn và lạm phát cao, đều đã được hóa giải khi kết thúc năm 2012. Trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thì dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Theo TS. Alan T. Pham, Kinh tế trưởng VinaCapital, năm 2012 dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2011. Điều này cho phép tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định. Dự báo, VND mất giá so với USD khoảng 2% trong năm 2013 và xoay quanh mốc 21.500 đồng/USD.
Ở khía cạnh khác, khối ngoại nhìn thấy cơ hội tiềm ẩn. Những năm qua, điều không khó nhận ra là mỗi khi vĩ mô và TTCK Việt Nam đối mặt với những khó khăn gần như đỉnh điểm, thì các NĐT nước ngoài thường âm thầm tìm kiếm cơ hội giải ngân. Với cái nhìn dài hạn và có phần lạc quan hơn NĐT nội địa, trong nhiều trường hợp, khối ngoại đã chiến thắng thị trường. Hơn nữa, trong bối cảnh vĩ mô có những tín hiệu tích cực hơn, cho phép khối ngoại “xuống tiền” nhiều hơn.
Một yếu tố khác khiến khối ngoại tăng giải ngân là kỳ vọng việc phá băng thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu của khối ngân hàng sẽ có kết quả tích cực, sau khi Chính phủ có hàng loạt động thái rốt ráo, quyết liệt. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là Chính phủ vừa kết thúc thảo luận hai đề án quan trọng: Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản.
Đặc biệt, lộ trình tái cấu trúc TTCK đang bước vào giai đoạn trung tâm của việc thực hiện “Đề án tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm”, khiến khối ngoại kỳ vọng sẽ có những bước cải cách mới về phương diện kỹ thuật, để tiếp sức cho sự phát triển của TTCK không chỉ trong năm 2013. Điều này cùng với diễn biến vĩ mô dần tích cực hơn, sẽ hỗ trợ cho sự khởi sắc của thị trường.
Lực hút từ sức bật tiềm ẩn
Chưa bao giờ tín hiệu về nỗ lực tìm kiếm những nhân tố mới nhằm tăng thu hút dòng vốn ngoại cho thị trường lại được Bộ Tài chính và UBCK phát đi nhiều như trong thời gian gần đây. Điều này thể hiện qua một loạt thông điệp và chính sách đã và sắp được ban hành. Sau hàng chục năm chờ đợi, NĐT ngoại đã được đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản giao dịch khi tham gia TTCK Việt Nam, theo quy định tại Thông tư 213/2012. Còn Thông tư 212/2012 đã mở cửa cho NĐT ngoại lần đầu tiên được phép thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam.
Nằm trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hút dòng vốn ngoại cho thị trường, một lãnh đạo UBCK cho hay, cơ quan quản lý đang tính giải pháp gỡ trần sở hữu 49% đối với bên nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam, thông qua cơ chế tỷ lệ sở hữu cổ phần không có quyền biểu quyết, hoặc thí điểm phân loại nhóm DN mà phía Việt Nam không thực sự cần nắm cổ phần chi phối. Để thuận lợi cho việc triển khai thí điểm, ban đầu có thể áp dụng đối với các DN thuộc diện hẹp trong rổ chỉ số VN30, bởi đã có cơ sở dữ liệu khá đầy đủ…
Khi được hỏi những cải cách trên đã đủ góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho TTCK Việt Nam trong cuộc cạnh thu hút vốn ngoại với các thị trường khu vực, lãnh đạo UBCK nhìn nhận, mỗi thị trường đều có lợi thế cạnh tranh riêng. Trong khi các thị trường phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia... đã phát triển đến độ ổn định cao, nên khó có yếu tố đột biến, thì các thị trường Lào, Campuchia vẫn chưa làm nổi bật được các lợi thế cạnh tranh, bởi cấu trúc thị trường còn sơ khai, lượng hàng hóa quá ít và chậm phát triển. Đối với thị trường Myanmar, tuy có bước mở cửa mạnh mẽ, nhưng trong vài năm tới cũng chỉ có thể là đối thủ đáng gờm trong thu hút vốn FDI, chứ chưa thể tạo đột biến trong hút vốn FII.
Nhìn nhận như vậy để thấy, với hơn 700 DN niêm yết, cùng với nền tảng thị trường khá đồng bộ, nền kinh tế và TTCK đang có những bước cải cách mạnh mẽ..., sẽ hứa hẹn tạo ra sức bật cho TTCK Việt Nam. Điều này, dưới cái nhìn của NĐT ngoại, mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho TTCK Việt Nam.
(Theo Đầu tư)