Nguồn ảnh: Quý Hòa
Giải mã cuộc đổ bộ của bán lẻ Nhật
Takashimaya vào thị trường Việt Nam bằng trung tâm thương mại cùng tên đặt tại TP.HCM vào tháng 7.2016 với vốn đầu tư 22 triệu USD và kỳ vọng sẽ có lợi nhuận vào năm 2022. Nhưng đến tháng 2.2020, hệ thống bán lẻ này đã công bố lãi năm tài chính 2019 đạt gần 1 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thương hiệu thời trang Uniqlo vẫn liên tục khai trương các cửa hàng và đến tháng 6.2020 đã vươn đến con số 4 cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM lẫn Hà Nội.
Tương tự, trung tâm bán lẻ AEON đã lên kế hoạch mở khu phức hợp thương mại thứ 6 tại Hải Phòng vào cuối năm nay với vốn đầu tư khoảng 190 triệu USD.
Cấp tốc mở rộng
Hoạt động mở rộng có phần cấp tốc của các nhà bán lẻ Nhật cho thấy mối quan tâm rất lớn của họ dành cho thị trường Việt Nam. Ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật (JETRO) tại TP.HCM, cũng ghi nhận dòng vốn đầu tư từ Nhật vào hoạt động phi sản xuất, bán lẻ phục vụ thị trường Việt Nam tăng đáng kể.
“Chẳng hạn, việc mở cửa hàng kinh doanh tại TP.HCM vào cuối năm 2019 và mới đây là ở Hà Nội của Uniqlo cho thấy Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Nhật khác”, ông Hirai Shinji nói. Uniqlo đặt niềm tin ở thị trường này khi theo phân tích của Statista (Đức), doanh thu ngành thời trang Việt Nam trong năm 2019 đạt 717 triệu USD và dự kiến tăng lên 815 triệu USD vào năm 2020 và 1,065 tỉ USD năm 2024.
Đáng chú ý, doanh nghiệp Nhật mở rộng kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh thị trường bán lẻ ở nhiều nước tăng trưởng âm do dịch, mà Việt Nam lại là thị trường bán lẻ hiếm hoi trong khu vực và trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa Việt Nam 7 tháng đầu năm 2020 tăng 3,6% so với cùng kỳ, đạt 2,21 triệu tỉ đồng.
Về dài hạn, ngành bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định. Việt Nam sở hữu dân số vàng với tầng lớp trung lưu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng nghĩa nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cơ bản và cao cấp tăng mạnh tại Việt Nam. Xu hướng này phù hợp với các mặt hàng cao cấp sản xuất từ Nhật.
Ông Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật (JICA) tại Việt Nam, cho rằng: “Xu hướng đầu tư của Nhật vào Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ở Việt Nam phát triển nhanh chóng và họ đủ sức chi trả cho hàng hóa chất lượng tốt”. Economist Intelligence Unit mới đây dự đoán, tỉ lệ hộ gia đình có thu nhập hơn 10.000 USD/năm sẽ tăng từ 12% năm 2016 lên 17% năm 2021.
Tranh thủ cơ hội
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chờ giải thể là nhiều nhất, với hơn 8.100 doanh nghiệp, chiếm 37,2%. Dịch bệnh là một đón giáng mạnh chưa từng có vào các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính thực hiện thâu tóm hay mở rộng thị phần, săn các mặt bằng đẹp... chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi hơn hậu COVID-19.
Tổng Giám đốc Iwamura Yasutsugu của AEON Việt Nam cho biết, đến năm 2025, Tập đoàn sẽ vận hành 25 trung tâm thương mại tại Việt Nam, do đó đã chuẩn bị nguồn vốn 2 tỉ USD để đầu tư. Dù đang trong thời điểm dịch bệnh, liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật) vẫn khai trương siêu thị FujiMart thứ 2 tại Hà Nội. Tại TP.HCM, cuối tháng 7 vừa qua, Muji cũng đã khai trương cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại Việt Nam ở Parkson trước khi chính thức khai trương vào cuối năm nay. Chuỗi cửa hàng bán lẻ này nổi tiếng ở châu Âu bởi sự đa dạng sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất cho đến quần áo, mỹ phẩm. Cũng tại TP.HCM, Miki House, thương hiệu thời trang cao cấp cho trẻ em, cũng đã mở cửa hàng đầu tiên...
Tiêu dùng là lĩnh vực kéo tụt GDP Nhật trong quý II/2020 khi suy giảm đến 8,2% do nước này áp dụng các biện pháp phong tỏa chống dịch. Về dài hạn, tiêu dùng tại Nhật tiếp tục suy giảm trong bối cảnh dân số già hóa, tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng cao, trong khi tỉ lệ sinh ngày càng giảm.
Nguồn ảnh: Quý Hòa |
Vì vậy, doanh nghiệp Nhật tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi và Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của họ. Dư địa tăng trưởng tại thị trường Việt Nam còn lớn khi tỉ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện tại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi Philippines là 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60%, Singapore 90%...). Theo dự báo của JLL Việt Nam, trong nửa cuối năm 2020 Việt Nam sẽ có gần 280.000 m2 sàn bán lẻ gia nhập thị trường.
Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục lan rộng tới các doanh nghiệp Nhật kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc chuyển hướng sang thị trường Việt Nam có lẽ là phương án thay thế cần thiết để phân tán rủi ro cho các doanh nghiệp Nhật. Khảo sát của JETRO được thực hiện từ tháng 11-12.2019 cho thấy, có 41% công ty trả lời rằng họ đang cân nhắc mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong khoảng 3 năm tới, tăng 5,5 điểm phần trăm so với khảo sát tương ứng vào năm ngoái.