La Quang Trí (*) Thứ Hai | 18/05/2020 15:29

Giải cứu thuyền viên trước... virus

Chưa có tàu hàng nào của Việt Nam trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để đối phó với tình trạng chẳng may có thuyền viên nhiễm virus Corona.

Nguy cơ cao

Thống kê của Cục Hàng hải, tính đến cuối năm 2019, số lượng tàu treo cờ Việt Nam khoảng 1.500 chiếc với hơn 41.000 thuyền viên. Chưa kể một số tàu có chủ tàu là người Việt Nam, thuê thuyền viên Việt Nam nhưng treo cờ nước ngoài. Ngoài ra còn một số lượng đáng kể thuyền viên Việt Nam đang đi đánh thuê cho các tàu nước ngoài trên khắp thế giới, nhiều nhất là các tàu Trung Quốc.

Vai trò của thuyền viên đối với ngành hàng hải nói riêng và nền kinh tế nói chung là rất quan trọng. Bởi vì, với hơn 90% lượng hàng hóa luân chuyển toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và được vận hành bởi hàng triệu thuyền viên trên toàn thế giới. 

Thực tế trên thế giới, thuyền viên có lẽ là một ngành nghề luôn nhạy cảm với các vấn đề kinh tế xã hội và luôn chịu tác động đầu tiên nếu có sự thay đổi. Lần này, đại dịch virus Corona cũng như vậy. Trong khi trên bờ virus đang hoành hành khắp nơi làm cho các chính phủ toàn cầu đau đầu, thì thuyền viên cũng là những người chịu tác động đầu tiên vẫn đang phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

Có thể toàn quốc bị phong tỏa nhưng rất ít chính phủ nào lại phong tỏa các cảng xuất nhập khẩu của mình. Bởi nếu cảng bị phong tỏa sẽ là ác mộng cho nền kinh tế.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa tham gia ITF (Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế) nên những hỗ trợ của tổ chức này cho thuyền viên Việt Nam còn nhiều hạn chế bởi họ chú tâm hỗ trợ cho các thành viên của họ trước. Rất may, ITF luôn có những hỗ trợ cho thuyền viên trên tàu của các quốc gia có tham gia ITF, hoặc bất cứ tàu nào đến các cảng ở nước có tham gia ITF.

Do đó, thuyền viên Việt Nam thuộc các trường hợp này vẫn có cơ hội được hỗ trợ nếu có sự việc xảy ra. Đó là điều may mắn cho thuyền viên Việt Nam, dù hỗ trợ từ chính Chính phủ và các tổ chức nhà nước ở Việt Nam là chưa thỏa đáng so với đóng góp của họ.

Bình thường là vậy, nhưng trong thời gian dịch bệnh này, nguy cơ lây bệnh khi tàu đến các cảng là rất lớn. Bởi tàu thuyền sẽ đi khắp các cảng và tiếp xúc với rất nhiều loại người ở các cảng khác nhau. Đó là nhân viên công vụ, công nhân bốc xếp hàng hóa, nhà chức trách tại mỗi cảng, và con virus này thì không ngoại trừ bất cứ ai.

 

Riêng thuyền viên Việt Nam hiện tại chưa có ca nhiễm virus Corona được báo cáo, nhưng trên thế giới đã có một số thuyền viên đã bị nhiễm virus Corona như 5 thuyền viên trên tàu container Gjertrud Maersk hay một thuyền trưởng đã chết trên tàu Feng De Hai của Cosco khi tàu đến cảng Istanbul của Thổ Nhỉ Kỳ.

Hiện tại, tuy ở Việt Nam đã không còn giãn cách xã hội nhưng hầu hết các cảng đều không được thay đổi thuyền viên. Các chuyến bay giữa các quốc gia cũng đều dừng lại. Nên rất nhiều thuyền viên đến kỳ thay đổi đã phải ở lại làm việc trên tàu và không được thay đổi.

Bình thường, mỗi tháng trên các tàu trên thế giới có khoảng 100.000 thuyền viên phải thay, đợt dịch này họ đã bị mắc kẹt không thể thay thế. Người trên bờ cần việc làm không thể xuống tàu, người đã quá thời hạn thay muốn về thăm gia đình lại không thể về nhà được. Nếu tình trạng này kéo dài, chất lượng thuyền viên suy giảm, mệt mỏi là không tránh khỏi.

Thay thế cũng khó

Một số cảng yêu cầu tất cả các tàu nhập cảnh phải chịu cách ly y tế 14 ngày ngoài vị trí neo đậu, trước khi cập vào cảng để làm hàng. Điều này lại là một thách thức cho các thuyền viên khi họ ở trên tàu quá lâu. Đó là sự an toàn, đó là sức khoẻ tâm thần.

Hiện tại, vẫn chưa có tàu hàng nào của Việt Nam và trên thế giới có trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để đối phó với tình trạng chẳng may có thuyền viên nhiễm virus Corona trở bệnh nặng cần phải sử dụng máy thở và chăm sóc y tế đặc biệt chẳng hạn.

Ở một số cảng vẫn có thể thay thế thuyền viên, nhưng thuyền viên lên tàu và xuống tàu đều bắt buộc phải cách ly ít nhất 14 ngày, điều này là cực kỳ khó khăn, nhất là đối với các tàu hàng rời chạy rông, không hề có kế hoạch trước như phần lớn đội tàu của Việt Nam. Việc lập kế hoạch thay người trước 14 ngày là rất khó khăn và việc cách ly y tế 14 ngày chủ tàu phải gánh thêm chi phí, chưa kể là các chuyến bay có thể dừng bất kỳ lúc nào. Ở một số cảng thì chỉ quy định rất đơn giản là thuyền viên bị cấm thay thế.

Ngày 20.3.2020, Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS), đại diện cho các chủ tàu và khai thác tàu đã cùng với ITF, đại diện cho khoảng 1,5 triệu thuyền viên làm việc trên đội tàu thương mại thế giới đã kêu gọi các tổ chức của Liên Hiệp Quốc có biện pháp giúp đỡ giải quyết vấn đề khó khăn trong việc thay đổi thuyền viên như hiện nay.

Vẫn chưa biết được các yêu cầu này có được thực thi hay không khi Tổ chức Hàng hải Quốc tế và các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ sức khỏe của thuyền viên trên toàn thế giới, hiện chưa đưa ra chính sách toàn diện về cách đảm bảo tàu có thể tiếp tục hoạt động trong bối cảnh dịch virus Corona bùng phát. Hiện tại, thuyền viên Việt Nam nói riêng và thuyền viên toàn thế giới nói chung vẫn đang chịu rất nhiều thiệt thòi trong thời đại dịch.

Nhiều nước đã có những hành động hợp lý khi tạo điều kiện gia hạn các giấy tờ thuyền viên hoàn toàn bằng điện tử. Việt Nam và một số nước đã có các văn bản tự động cho gia hạn thêm 3 tháng đối với một số loại chứng chỉ thuyền viên. Điều này góp phần nào giảm bớt một số lo lắng, khó khăn cho thuyền viên khi bị bắt buộc phải ở lại trên tàu quá lâu.

(*) Giám đốc Công ty ShipOffer Corp.