Ảnh: QH

 
Lam Hồng Thứ Hai | 30/03/2020 16:00

“Giải cứu” người lao động

Cũng cần “giải cứu” sinh kế cho các lao động bị giảm thu nhập, mất việc làm... vì dịch bệnh.

Các nhà đầu tư có thể đã từng nghĩ dịch COVID-19 sẽ có những tác động lên nền kinh tế và các thị trường tài chính, nhưng mức độ tàn phá gây ra thiệt hại nặng nề như những ngày vừa qua có lẽ là điều ít người dám nghĩ tới.

Gánh nặng thất nghiệp gia tăng

TP.HCM, đầu tàu kinh tế Việt Nam, đã phải sử dụng đến giải pháp “phong tỏa” các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng... đến hết tháng 3. Biện pháp quyết liệt này đồng nghĩa với việc đánh đổi các chỉ số kinh tế sẽ thấp xuống, các doanh nghiệp sẽ chấp nhận thêm khó khăn và nhiều lao động sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế, đến nay, hàng ngàn doanh nghiệp đã phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm vì COVID-19. Điển hình như gần 2,8 triệu lao động ngành dệt may, gần nửa triệu lao động ngành hàng không, đường sắt, đường bộ... đã bị ảnh hưởng. Do tác động của COVID-19, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên rõ rệt. Tháng 2 có trên 47.000 người, tăng 59,2% so với tháng 1 (gần 30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người). 

 

 

Chính phủ đã tung gói tín dụng 250.000 tỉ đồng, gói tài khóa 30.000 tỉ đồng và hàng loạt biện pháp khác để giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19. Tuy nhiên, những giải pháp đang được Chính phủ áp dụng và đề xuất thực hiện mới chỉ giảm áp lực tài chính, dòng tiền cho chủ doanh nghiệp, trong khi với mỗi người dân, việc giảm thu nhập và gánh nặng chi tiêu gia tăng giờ không chỉ là nguy cơ mà là hiện thực trước mắt.

Thực tế, do bệnh dịch lan rộng với tốc độ chóng mặt, sản xuất đột ngột bị đình đốn, nên chính sách tiền tệ dù có nới lỏng cũng không giúp phục hồi sản xuất ngay được. Tương tự, hạ lãi suất cũng không lôi kéo được người tiêu dùng trở lại các trung tâm mua sắm hay du khách quay trở lại với các hãng hàng không, bởi họ lo ngại về lây nhiễm bệnh nhiều hơn là chi phí.

Vì lý do này, nhiều quốc gia đã tung ra kế hoạch “tặng tiền” cho người dân trong nỗ lực giải cứu nền kinh tế khỏi suy thoái. Chẳng hạn, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch chi 250 tỉ USD tiền mặt trực tiếp cho người dân, tương ứng trao 1.000USD cho từng người Mỹ trưởng thành và 500USD cho mỗi trẻ em. Tại châu Á, Nhật, đặc khu Hồng Kông, Singapore cũng thông qua các gói cứu trợ dành cho người dân. 

Tại Việt Nam, đến thời điểm này, sau doanh nghiệp, người dân cũng đã “thấm đòn” khi thu nhập ngày càng teo tóp vì công ty đóng cửa, hàng quán ế ẩm... Vì vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng cho 600.000 lao động mất việc làm. “Thành phố cần bàn đến việc này, người lao động không có lương trong 2 tuần, 4 tuần thì sống thế nào?”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề khi đưa ra quyết sách “tặng tiền” cho dân.

Tìm thêm tiền cho người lao động

Nền kinh tế sẽ còn đối mặt với “làn sóng mất việc làm thứ 2”. Đó là khi các gia đình thiếu thốn và doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải cắt giảm chi tiêu. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giúp các gia đình và doanh nghiệp có tiền để tiếp tục chi tiêu.

Tại Việt Nam, chưa có chính sách kiểu “tặng tiền” trực tiếp như các nước vì ngân sách đang đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn thu và dư địa thu đang hẹp dần, trong khi các khoản chi cho y tế rất lớn. Tuy nhiên, một số giải pháp cũng cần thực hiện nhằm “mang tiền” về cho người dân để chi tiêu. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng từ COVID-19 được giãn, hoãn nộp 80.200 tỉ đồng tiền thuế và thuê đất. “Người dân có thể chuyển số tiền đáng ra phải thực hiện nghĩa vụ thuế sang phục vụ chi tiêu cá nhân. Còn doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất - kinh doanh khi dịch bệnh kết thúc”, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định.

Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng cần có nhiều phương án để bảo đảm quyền lợi cho người lao động và các đối tượng yếm thế dễ chịu tổn thương như không được đóng bảo hiểm, không có lương... Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp mạnh tay hơn như hỗ trợ người dân thông qua giảm thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân để bớt gánh nặng chi tiêu, kích cầu.
 

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất 6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, hàng triệu lao động đang hy vọng sẽ có một gói tín dụng ưu đãi 20.000 tỉ đồng. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần đề phòng kịch bản xấu nhất là dịch bùng phát, GDP quý I sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 2-3 điểm phần trăm, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm có thể lên tới 1,32 triệu lao động. “Với nhóm có bảo hiểm thất nghiệp, cần triển khai ngay chính sách hỗ trợ cho họ. Với nhóm không có bảo hiểm thất nghiệp, cần có gói hỗ trợ họ trong thời gian tìm kiếm, chuyển đổi công việc khác. Gói này cũng không nên trông chờ nhiều vào nguồn lực ngân sách, mà nên thu hút nguồn lực hỗ trợ thông qua vận động xã hội hóa”, Tiến sĩ Ánh cho biết.

Có thể thấy, cần gắn chương trình chuyển dịch lao động tạm thời với kế hoạch chuyển dịch cơ cấu lao động dài hạn. Chính phủ phải có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho lao động có nhu cầu trong thời gian thất nghiệp để họ có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi hết dịch, bước vào thời kỳ kinh tế phục hồi.

* Bạn có thể theo dõi nội dung của bài viết trên kênh YouTube của Nhịp Cầu Đầu Tư: