Dự án Metro tại TP.HCM được chấp thuận chủ trương tăng vốn. Ảnh: Quý Hòa
"Giải cứu" các dự án hạ tầng trọng điểm
Đơn cử như dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ sớm khởi động trở lại khi chính thức nhận được chủ trương cho phép tăng vốn từ 17.000 tỉ đồng lên 47.300 tỉ đồng mới đây. Đồng thời, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được chấp thuận chủ trương tăng gần gấp đôi vốn lên 47.900 tỉ đồng.
Tin tốt đầu năm
Trước đó, khối lượng thực hiện của tuyến Metro số 1 đã đạt khoảng 62% và bị đình trệ trong năm 2018 do vướng mắc ở cơ chế thanh toán cho các nhà thầu Nhật. Nếu quyết liệt hơn trong triển khai, tuyến Metro đầu tiên của phía Nam có thể sẽ hoàn thành vào năm 2020, tạo tác động tích cực đến diện mạo của phía Đông thành phố.
Đối với các khu vực ngoại thành như quận 9, quận 12, Hóc Môn... sẽ có cơ hội đón chào sự khởi động của tuyến vành đai 3 khi mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của dự án này (đoạn đi qua TP.HCM) với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng TP.HCM sẽ tạm ứng ngân sách hơn 2.900 tỉ đồng để đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm nay.
Một số dự án khác dự kiến cũng được hâm nóng trở lại như đề án khép kín tuyến vành đai 2 (đoạn từ Phú Hữu đến Gò Dưa), hay dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ở khu Nam Sài Gòn.
Đó là tin tốt cho thị trường ngay những ngày đầu năm. Vai trò các dự án hạ tầng đối với tính hấp dẫn của môi trường đầu tư là điều thiết yếu trong đánh giá của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo Công ty Tư vấn JLL, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng với nhiều dự án khủng như như xây dựng 2.000km đường cao tốc mới, các dự án Metro ở Hà Nội, TP.HCM đi cùng với nhiều dự án mở rộng, xây dựng mới sân bay. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư và các nhà phát triển bất động sản sẵn sàng cam kết với thị trường có tốc độ tăng trưởng cao này”, báo cáo JLL nhận định.
Xoay vốn từ đâu?
Nhưng cũng như các năm trước, câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư quan ngại vẫn là liệu các dự án trọng điểm nói trên sẽ “chuyển mình” một cách thực chất khi vẫn còn quá nhiều thách thức bủa vây. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc tài trợ cho các dự án hạ tầng là một trong những thách thức lớn nhất, vì lượng vốn cần lên đến khoảng 22 tỉ USD. Chỉ 1/3 trong số này được tài trợ bởi ngân sách, còn 14,6 tỉ USD còn lại sẽ phải huy động từ các nguồn khác.
Những tranh cãi trong nhiều dự án BT, BOT đi cùng với sự thay đổi chóng mặt về cơ chế thanh toán cho các nhà đầu tư đã làm chùn bước phần nào dòng vốn tư nhân chảy vào hạ tầng trong năm qua. Năm 2018, toàn thị trường BT, BOT không ghi nhận một dự án mới nào được khởi động trên cả nước.
Nhưng nút thắt này có thể đang dần được tháo gỡ. Ngay đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160, trong đó cho phép khá nhiều dự án BT đã ký trước ngày 1.1.2018 sẽ tiếp tục được thanh toán bằng tài sản công, còn các dự án ký từ đầu năm 2018 trở đi sẽ được rà soát lại để tránh sai sót. Đây là bước đột phá được kỳ vọng sẽ giúp khá nhiều dự án hạ tầng được khơi thông nguồn vốn và tái khởi động thành công.
Về phần mình, TP.HCM cho biết sẽ tận dụng cơ chế đặc thù mà Quốc hội duyệt để rút ngắn thời gian và các khâu trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án giao thông cấp bách. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, cho phép chuyển đổi công năng, quy hoạch toàn bộ 1.800m cầu cảng tại khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội thành cảng hành khách phục vụ du lịch.
Trong chiến lược phát triển trong các năm tới, TP.HCM cho biết sẽ ưu tiên phát triển các khu đô thị rất lớn, như tiếp tục phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính thương mại dịch vụ, phát triển khu đô thị sáng tạo ở phía Đông, xây dựng khu đô thị du lịch sinh thái ở Cần Giờ, khu đô thị cảng ở quận 9, Nhà Bè, xây dựng khu đô thị ven sông quận 9 và khu đô thị giáo dục ở Tây Bắc thành phố.
Nhờ động thái có phần ấm lên của các dự án hạ tầng giới đầu tư phần nào an tâm hơn với triển vọng của thị trường bất động sản trong các năm kế tiếp. Theo ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC), thị trường bất động sản năm 2019 nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định, tích cực nhờ chính quyền đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng trên toàn thành phố. Còn Công ty CBRE nhận định, nhờ chất lượng hạ tầng cải thiện, nguồn cung nhà ở tại khu Đông sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019 và chiếm đến 61% lượng chào bán của toàn thị trường.