Giấc mơ đô thị công nghiệp của Amata
Việt Nam có vẻ như đang rơi vào tình trạng quá tải khu công nghiệp, với tỉ lệ lấp đầy trung bình chưa tới 65% diện tích, song dường như Khu Công nghiệp Amata không nằm trong số này (theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Amata nằm trong số ít khu công nghiệp có tỉ lệ lấp đầy 100% diện tích). Sau đúng 2 thập niên, Vikrom Kromadit, người sáng lập Tập đoàn Amata đã có chuyến viếng thăm Việt Nam để tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ đô thị công nghiệp tỉ đô tại đây.
Đón đầu làn sóng FDI thứ 2
Tỉ phú người Thái Vikrom là một trong số nhiều người tin tưởng tuyệt đối rằng làn sóng FDI sẽ tiếp tục bùng nổ tại Việt Nam lần thứ hai. “Hơn 1.000 đối tác của chúng tôi là những tập đoàn, công ty lớn đang sản xuất kinh doanh tại Thái Lan có nhu cầu mở rộng sang các nước, trong đó đáng chú ý là nền kinh tế đang phát triển nhanh Việt Nam”, ông cho biết.
Đặc thù của mô hình kinh doanh khu công nghiệp là phụ thuộc nhiều vào làn sóng đầu tư nước ngoài. Ông Vikrom được đánh giá là người khá nhanh nhạy trước xu hướng thị trường. Vào khoảng năm 1988, nhìn thấy triển vọng Thái Lan khi đó bắt đầu hút vốn FDI, Vikrom đã bắt đầu xây dựng cơ nghiệp Amata ở Thái Lan.
Đến năm 1995, khi kinh tế Thái Lan vẫn đang bùng nổ, ông đã nghĩ đến chuyện hướng ra nước ngoài, vì điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro dòng vốn có thể chững lại ở Thái Lan. Mặt khác, bài toán chi phí lao động và sản xuất ở các nước phát triển tăng lên đã khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm địa điểm sản xuất mới. Đó cũng là lý do vì sao Amata Việt Nam ra đời.
Sau 2 thập niên hoạt động tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo của Amata đánh giá mô hình Amata Việt nam thành công ngoài mong đợi. Dù vậy, theo báo cáo thường niên năm 2014 của Tập đoàn Amata, Amata Việt Nam đóng góp chưa tới 10% doanh thu của cả tập đoàn. Mặc dù chiếm tỉ trọng nhỏ, Amata vẫn quyết tâm đầu tư nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.
Trong mắt của ông Vikrom, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đáng kể. Khoảng 10 năm trước, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan, còn hiện nay bằng một nửa. “Tôi nhận thấy Việt Nam có thể trở thành một khu vực sản xuất nền tảng của thế giới”, Vikrom chia sẻ trong cuốn sách hành trình 20 năm của Amata tại Việt Nam.
Tiềm năng còn thể hiện ở những hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia trong khu vực và thế giới trong thời gian sắp tới. Gần đây nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Có vẻ như Việt Nam đang dần trở thành thị trường truyền thống của Amata, song ông Vikrom cũng nhắm đến một thị trường mới mẻ khác trong khu vực, đó là Myanmar. Quốc gia này gần đây đã bắt đầu mở cửa hơn không những về mặt kinh tế mà còn cả chính trị. Ông Vikrom đánh giá cao vị trí chiến lược của 3 nước Thái Lan, Việt Nam và Myanmar. Đó là đều gần gũi với Trung Quốc và điều này sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho Amata.
Giấc mơ tỉ đô
Hãy quay trở lại với những dự án tỉ đô của Amata ở Việt Nam. Tập đoàn này đang nhắm đến việc mở rộng khu công nghiệp ở cả 2 đầu đất nước với dự án ở Long Thành, Đồng Nai và Hạ Long, Quảng Ninh.
Khái niệm “đô thị công nghiệp” có thể dùng để mô tả dự án phức hợp mới của Amata. Theo đó, Amata sẽ phát triển dự án Amata City Long Thành với tổng vốn đầu tư khoảng 634 triệu USD trên quy mô diện tích 1.285 ha. Dự án này bao gồm 3 khu riêng biệt là khu công nghệ cao, khu siêu đô thị và dự án đô thị dịch vụ 123 ha. Bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc Amata Việt Nam, tin rằng dự án này sẽ biến khu vực Long Thành trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại.
Amata cũng “Bắc tiến” với số tiền dự kiến 1,6 tỉ USD được rót vào dự án 5.789 ha ở Hạ Long. Dự án khu phức hợp đô thị công nghệ cao này cũng hướng đến đối tượng là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tự động, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó là các trung tâm dịch vụ hậu cần, trung tâm nghiên cứu và phát triển, các trung tâm triển lãm và các phòng thí nghiệm khoa học.
Nhìn chung, Amata đang hướng đến mô hình bất động sản thương mại phục vụ cho loại hình khu công nghiệp. Đó đều là dự án đô thị công nghiệp phức hợp, bao gồm các khu công nghiệp (chủ yếu là thu hút công nghệ cao), khu nhà ở thương mại và khu dịch vụ. Cả hai nơi dự kiến phát triển dự án đều có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, khi gần sân bay quốc tế và hải cảng lớn.
Những dự án này thực ra đã được Amata nhắc đến nhiều từ năm 2012 trở lại đây. Song dường như đây mới là thời điểm vàng, bởi sân bay quốc tế Long Thành cuối cùng đã được chính thức thông qua. Việt Nam cũng đón nhận nhiều tin vui từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Tuy nhiên, giấc mơ tỉ đô đòi hỏi một lượng vốn đầu tư không nhỏ. Để có tiền, Tập đoàn Amata đã phải niêm yết công ty con Amata Việt Nam trên thị trường chứng khoán Thái Lan. Công ty này mới giao dịch cổ phiếu lần đầu vào ngày 16.12 vừa qua. Cuộc đấu giá được cho là khá thành công, khi giá thị trường lúc đó là 7,5 baht/cổ phần, sau đó đấu giá lên gần 10 baht/cổ phần. Sau IPO, Tập đoàn Amata nắm giữ gần 73%.
“Ước mơ của tôi là đạt được con số 1.000 km2 (tổng diện tích các khu công nghiệp) trong khu vực (Đông Nam Á) trong tương lai”, ông Vikrom chia sẻ về tầm nhìn của Amata (hiện tại Amata mới đạt được 100 km2). Với ông Vikrom, một trong số đó đang dần trở thành hiện thực, còn một số thì vẫn chỉ là giấc mơ. “Nhưng tôi vẫn tiếp tục mơ nhiều hơn bởi chuyện mơ thì không bị đánh thuế gì”, ông Vikrom nói vui.
Thiên Phong