Giá xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn ổn định nhờ kế hoạch tạm trữ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam mới đây vừa đề xuất xin Chính phủ phê chuẩn chương trình cho vay không tính lãi đối với các doanh nghiệp mua lúa gạo vụ hè thu đến hết tháng 9 để hỗ trợ giá. Dự kiến, sẽ có 2 triệu tấn thóc vụ hè thu được mua tạm trữ theo chương trình này.
Trong khi đó, Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, vừa hủy một đợt đấu thầu gạo từ kho tạm trữ quốc gia vì nhận được quá ít lời chào mua. Nhưng thực tế giá gạo Thái Lan vẫn đang cao hơn so với giá gạo của nhiều quốc gia xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.
Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Thái Lan dự định bán ra hơn 250.000 tấn gạo trong thời gian này. Đây là khối lượng gạo tương đương khoảng 3% kho thóc tạm trữ đã đạt mức kỷ lục 15 triệu tấn của Thái Lan. Kho thóc tạm trữ tương đương với 8 triệu tấn gạo này được Chính phủ Thái thu mua trong chương trình can thiệp thị trường, hỗ trợ giá gạo, theo đó hỗ trợ nông dân trồng lúa.
Chính sách can thiệp thị trường lúa gạo của Thái Lan đã đẩy giá gạo xuất khẩu ở nước này lên mức 560-600 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá cũ của Thái Lan và Ấn Độ là từ 390-430 USD/tấn.
Chương trình này của Chính phủ Thái đã kết thúc vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, dự báo giá gạo Thái Lan khó giảm trong thời gian tới vì chương trình can thiệp của Chính phủ nước này vẫn còn ảnh hưởng trên thị trường.
Do giá kém cạnh tranh, xuất khẩu gạo của Thái Lan từ đầu năm đến nay đã giảm 45% xuống 3,24 triệu tấn, từ mức 5,97 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo sẽ xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay, trong khi Việt Nam có thể xuất khẩu 6,5 triệu tấn và Ấn Độ xuất khẩu 4 triệu tấn. Trong những năm gần đây, Thái Lan vẫn xuất khẩu 8-10,5 triệu tấn gạo mỗi năm.
Nguồn Vneconomy