Vietnam Airlines vẫn dự kiến lỗ 9.335 tỉ đồng trong năm nay do chi phí nhiên liệu tăng cao. Ảnh: Quý Hòa.
Giá xăng: Hợp lý & vô lý
Dù doanh thu tăng nhờ thị trường hàng không phục hồi mạnh mẽ sau dịch nhưng Vietnam Airlines vẫn dự kiến lỗ 9.335 tỉ đồng trong năm nay do chi phí nhiên liệu tăng cao. Đà tăng chóng mặt của giá xăng dầu (đã có 7 lần tăng giá chỉ trong 2 tháng qua) đang gây áp lực không chỉ đối với những doanh nghiệp hàng không như Vietnam Airlines, mà tác động đến hầu hết các doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 5 của Chính phủ nhận định giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 5 tăng. Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI đã tăng tới 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng liên tục cũng đang thách thức mục tiêu kiềm chế lạm phát 4% năm nay.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, kiến nghị: “Trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội và Chính phủ nên coi việc giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân. Đây được xem như khoản đầu tư và sẽ mang lại hiệu quả tức thì, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần”.
Mỗi lít xăng hiện nay gánh khoảng 9.500-10.000 đồng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường, tương ứng tỉ trọng hơn 30%. Nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỉ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng loại này khoảng 35%.
Giảm các loại thuế phí này gần như là cách duy nhất trong thời điểm hiện nay để kéo giá xăng dầu xuống. Mặt khác, các loại thuế phí này cũng đang thể hiện nhiều bất hợp lý, cần điều chỉnh để phù hợp với diễn biến thực tế của thị trường và đời sống. Chẳng hạn, thuế bảo vệ môi trường đánh lên mặt hàng xăng dầu cho đến nay chưa chứng minh được vai trò là bảo vệ môi trường. Thuế tiêu thụ đặc biệt cho một mặt hàng thiết yếu như xăng dầu cũng không thuyết phục được người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang cạn nên gần như không thể sử dụng như một công cụ bình ổn giá xăng dầu trong thời gian tới. Thậm chí, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó đưa ra đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, mục đích của đề xuất này là để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cũng cho rằng cần mạnh dạn giảm khung thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hay giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Doanh nghiệp độc quyền kinh doanh xăng dầu của Nhà nước cần thể hiện đúng vai trò điều tiết giá, chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp ngày càng kém trước áp lực của lạm phát.
Ảnh: Quý Hòa. |
Trước đây, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý. Với thuế bảo vệ môi trường, nếu muốn giảm 50% còn lại sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội và tương tự với thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, do các chính sách chống lạm phát có độ trễ, vì vậy đây là lúc mạnh tay ra quyết sách nhằm sớm ổn định kinh tế thông qua giảm ngay giá xăng dầu.
Nhìn về dài hạn hơn, Tiến sĩ Nguyễn Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần cải cách và tiếp tục hoàn chỉnh thị trường xăng dầu theo hướng nâng cao tính cạnh tranh, xây dựng dự trữ chiến lược cũng như dự trữ phân phối gắn với nhập khẩu và nguồn cung. Cách thức điều hành cũng cần tạo ra cơ chế linh hoạt hơn cho Chính phủ ban hành và thực thi chính sách trong chừng mực khi có các cú sốc giá lớn, ví dụ như việc quyết giảm thuế phí ở mức nào và trong một thời hạn cụ thể.