Thứ Sáu | 05/06/2015 09:46

Giá xăng dầu: Doanh nghiệp taxi mong muốn ổn định

Các doanh nghiệp taxi mong muốn kéo dài biên độ tăng, giảm giá khoảng 6 tháng trở lên để các doanh nghiệp chuẩn bị.

Giá xăng dầu trong nước đã liên tục tăng trong thời gian qua. Tuy đã có thông tin về việc có thể giá xăng sẽ được điều chỉnh giảm trong thời gian tới, nhưng những ảnh hưởng từ việc tăng giá trong thời gian qua đối với các doanh nghiệp vận tải là không hề nhỏ.

Với các tài xế taxi, giá xăng tăng đồng nghĩa với chi phí tăng, thu nhập hằng ngày giảm bởi họ phải gánh một phần giá xăng theo như trong thỏa thuận khoán với doanh nghiệp chủ quản. Chính vì thế, từ khi giá xăng tăng hai lần liên tiếp trong thời gian gần đây, các tài xế taxi ít “đảo”, tức là ít chạy trống trên đường để bắt khách.

Anh Nguyễn Minh Trí, một tài xế taxi nói: “Thời tiết nóng với lại giá xăng tăng nên mình cảm thấy không tin tưởng thì không chạy, thà xếp tài dù hơi lâu nhưng mà đi điểm nào chắc điểm đó. Không có dám thả như hồi trước nữa”.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, chính xác là giá xăng đã 3 lần tăng với mức 4.800 đồng/lít. Nếu tính đúng, các doanh nghiệp kinh doanh taxi phải tăng 1.000 đồng/km trở lên, chứ không chỉ tăng thêm 500 đồng/km như vừa qua.

Hiện nay khó khăn của các doanh nghiệp taxi là trong hợp đồng khoán với tài xế, khi giá xăng giảm, tài xế được hưởng phần lợi, nhưng khi xăng tăng thì các tài xế ít chạy sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Với giá xăng tăng như hiện nay, các tài xế sẽ tốn thêm khoảng 70.000 đồng tiền xăng trên một ca so với trước. Hiện nay, một số hãng taxi phải dùng chính sách hỗ trợ theo ca đối với các tài xế taxi như hãng Vinasun hỗ trợ với mức từ 6.000 đồng đến 11.000 đồng/ca để ổn định tinh thần tài xế.

Việc giá xăng tăng giảm thường xuyên thật sự là một gánh nặng với các doanh nghiệp kinh doanh taxi. Thông thường, khi giá xăng tăng hoặc giảm vượt quá biên độ 10% giá thành thì phải tiến hành điều chỉnh cước.

Với mức chi phí trung bình 100.000 đồng/xe/lần điều chỉnh giá cước thì các doanh nghiệp lớn tốn đến cả tỷ đồng trong một lần điều chỉnh, đó là chưa kể chi phí thay thế decal xe… Cái khó của doanh nghiệp taxi là không thể phụ thu như xe khách, chính vì thế, các doanh nghiệp taxi mong muốn nên kéo dài biên độ tăng, giảm giá khoảng 6 tháng trở lên để các doanh nghiệp chuẩn bị. Còn không, có một phương án là Nhà nước cho các doanh nghiệp taxi có thể tự tính ra một mức giá cước phù hợp thị trường và không liên quan đến chi phí nhiên liệu.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Mong muốn chung là ổn định, nhưng nếu có tăng giảm thì nên có biên độ phù hợp. Hoặc là các doanh nghiệp sẽ có mức giá lên xuống theo thực tiễn thị trường chứ không nghĩ nhiều đến nhiên liệu. Mong rằng lúc đó dư luận xã hội cũng hiểu cho điều đó bởi không có doanh nghiệp nào lại đi tăng cước để làm mất khách, các doanh nghiệp khác dành khách, nhưng cũng không ai giảm giá cước để tự sát. Việc cân đối giá cước như thế nào cho phù hợp thì các doanh nghiệp sẽ tính toán, đăng kí với cơ quan nhà nước hợp pháp”.

Tuy đợt tăng giảm giá lần này không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp vận tải bởi giá dầu không tăng quá cao như xăng, tuy nhiên, biên độ thay đổi giá liên tục như hiện nay lại ảnh hưởng rất nhiều đến với hoạt động kinh doanh. Bởi mức giá khi đàm phán với các khách hàng của các doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh khi mức giá nhiên liệu thay đổi. Điều này làm chậm trễ các hoạt động kinh doanh. Chính vì thế, mong muốn chung của các doanh nghiệp vận tải cũng là giãn biên độ tăng giảm giá nhiên liệu để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải Lâm Vinh nói: “Theo tôi Nhà nước nên kéo dài thời gian giảm giá, hai tháng, một tháng một lần so với một hay hai tuần như hiện nay. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp đỡ lãng phí và phương án giảm giá là thay vì tính luôn phần tiền tồn vào đơn giá để giảm sâu sẽ dễ dàng hơn cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính và các đầu mối cung cấp xăng dầu thì họ vẫn tính được nếu đưa vào cơ chế thị trường”.

Việc tăng, giảm giá nhiên liệu theo cơ chế thị trường, sát với giá niêm yết trên thị trường quốc tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần xem xét, đưa ra thời điểm tăng giảm thích hợp để không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

Nguồn VOV