Thứ Hai | 14/01/2013 14:45

"Giá vàng giảm do tổ chức tín dụng tăng bán ra"

Theo ông Trần Thanh Hải, không loại trừ khả năng các tổ chức tín dụng sử dụng một phần vốn bằng vàng chuyển hóa thành tiền đồng nhằm tăng thanh khoản.
Hết giờ giao dịch sáng nay (14/1), vàng SJC mua bán tại công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 44,1 - 44,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 700 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước.

Chênh lệch giữa giá mua và giá bán lên tới 500 nghìn đồng/lượng, tăng mạnh so với mức thông thường 200 - 300 nghìn đồng/lượng.

Trong đó, khoảng 9 giờ sáng, giá vàng SJC xuống tới 43,8 - 44,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức thấp nhất trong hơn 4 tháng. Đặc biệt, tính từ khi Ngân hàng Nhà nước siết lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng đến nay (từ 10/1/2013), giá vàng miêng SJC đã giảm 1,8 triệu đồng/lượng.

Ngược lại, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay hiện tăng khoảng 5 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần trước, lên mức 1.667,5 USD/oz. Tính từ ngày 10/1 đến nay, giá vàng trong nước có xu hướng biến động ngược chiều giá vàng thế giới, làm mức chênh lệch giữa 2 giá vàng thu hẹp từ 5 triệu đồng/lượng về còn khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.

Biểu đồ giá vàng SJC
Nguồn: SJC/GAFIN

Trong xu hướng giá vàng giảm, ông Nguyễn Công Tường - Phó Phòng kinh doanh công ty Vàng SJC cho biết, đầu giờ sáng nay thì lượng bán vàng nhiều hơn lượng mua vào. Tuy nhiên, sau khi giá vàng tăng trở lại thì xu hướng bán ra chững lại.

Cũng theo ông Tường, thời điểm này giá vàng trong nước biến động phức tạp và ngược chiều thế giới do thời gian qua biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên quá cao, gần đây giá vàng trong nước giảm khiến biên độ này thu hẹp dần.

Sáng nay, biên độ giá mua bán vàng của SJC lên tới 500 nghìn đồng/lượng. Theo ông Tường, việc đặt biên độ cao là nhằm phòng ngừa rủi ro khi giá vàng biến động quá lớn.

Trả lời phỏng vấn , ông Đỗ Minh Phú, chủ tịch Tập đoàn DOJI cho hay, khoảng cách giữa giá mua và bán vàng ở 70 - 100 nghìn đồng/lượng để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chênh lệch với giá vàng thế giới cũng chỉ nên ở 500-700 nghìn đồng/lượng.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc công ty Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB) nhận định, giá vàng giảm chủ yếu do các tổ chức tín dụng tăng bán vàng ra, khiến nguồn cung trên thị trường tăng.

Theo vị này, kể từ ngày 10/1, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng, song nguồn lực vàng lại tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng.

"Với 22 tổ chức tín dụng được kinh doanh vàng thì đây là một thời cơ, đặc biệt khi thanh khoản tiền đồng đang căng. Nếu giả sử Chính phủ thông qua gói giải cứu bất động sản trị giá 20 nghìn đến 40 nghìn tỷ đồng thì tôi cho rằng nguồn vốn an toàn nhất là quy đổi từ vàng. Do vậy, không loại trừ khả năng 38 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã sử dụng một phần vốn bằng vàng chuyển hóa thành tiền đồng để tăng thanh khoản", ông Hải nói.

Ngoài ra, ông Hải cho rằng, giá vàng lao dốc còn do giá vàng thế giới "chênh vênh" khi vấn đề "vách đá tài khóa" của Mỹ mới được giải quyết một phần. Tháng này, Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ về nâng trần nợ công. "Nếu việc tăng trần nợ công lên thành công thì giá vàng thế giới sẽ tăng, đà giảm giá vàng trong nước chững lại. Còn nếu không thành công thì giá vàng thế giới sẽ giảm và giá vàng trong nước sẽ giảm thê thảm hơn nữa", ông Hải cho hay.

Nhận xét về biến động giá vàng trong năm 2013, vị Tổng giám đốc này cho biết, với tình hình điều hành như hiện nay thì giá vàng trong nước cực kỳ khó đoán vì chính Ngân hàng Nhà nước là cơ quan kiểm soát chặt nguồn cung, đồng thời kiểm soát cả kênh phân phối. Ngoài ra, giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng quốc tế lớn khiến cho "room" can thiệp giá vàng cực kỳ rộng mở.

"Nếu tình hình này kéo dài thì việc phán đoán giá vàng như công việc mò kim đáy biển", ông nói.

Nguồn Khampha


Sự kiện