Giá vàng “đón” hạn tất toán?
Trong buổi tiếp xúc với báo giới chiều 27/6/2013, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết một số thông tin như trên. Và mặc dù không nói rõ số vàng chưa tất toán xong là bao nhiêu tấn nhưng theo một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, con số này chưa đầy 2 tấn vàng, tập trung ở một vài đơn vị đang trong quá trình tái cơ cấu hệ thống.
Giá vàng giảm mạnh
Trong khi đó, 4 ngày qua, giá vàng SJC “bốc hơi” 2,4 triệu đồng/lượng và có vẻ như chưa dừng lại. Theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), sở dĩ giá vàng SJC giảm mạnh là do mấy yếu tố sau.
Thứ nhất, các ngân hàng thương mại đã tất toán gần hết số vàng theo Nghị định 24, dẫn đến lực hút vàng từ kênh này không còn nhiều. Trên thực tế, trong phiên đấu thầu ngày 27/6, NHNN chào thầu 40 nghìn lượng nhưng chỉ bán được 26 nghìn lượng. Và theo thông báo mới nhất, ngày 28/6, NHNN tiếp tục “nhồi” thêm 40 nghìn lượng, giá tham chiếu đặt cọc chỉ 36,45 triệu đồng/lượng.
Thứ hai, mặc dù lực cầu trong dân rất lớn và lớn hơn lực cầu tất toán của các ngân hàng thương mại nhưng vì nhà đầu tư dự đoán giá vàng còn giảm nữa nên chưa vội vàng mua vào.
“Nhà đầu tư thấy giá trong nước và quốc tế đều đi xuống nên họ đang cân nhắc việc mua vào, đặc biệt là khi chênh lệch giá trong và ngoài nước còn rộng, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Nghĩa nói.
Thứ ba, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô qua báo cáo kinh tế quý II/2013 cho thấy tốc độ tăng trưởng không như mong đợi: tăng trưởng GDP quý II chỉ 4,9% và 6 tháng đầu năm là 5%, cho thấy mức độ phục hồi kinh tế, nhất là khu vực công nghiệp còn mong manh, khiến các nhà đầu tư, đầu cơ không mạnh tay bỏ tiền đầu tư, kể cả với vàng.
Thứ tư, kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi rất rõ rệt khi đồng USD tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt, chỉ số việc làm của Mỹ cải thiện mạnh mẽ. Cùng đó, hai đầu mối thu hút lượng vàng lớn trên thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc do bị vàng khuynh đảo cán cân thanh toán, nên đã hạn chế nhập khẩu vàng. Những yếu tố này hình thành nên xu hướng giảm giá vàng trong trung và dài hạn trên toàn thế giới.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm gì?
Theo ông Huy, sau thời hạn tất toán vàng (30/6/2013), NHNN đạt được 2 mục tiêu quan trọng. Một, giải quyết xong vấn đề tồn đọng vốn vàng tại các ngân hàng thương mại mà cách đây một năm lên tới 160 tấn nhưng vẫn giữ được thanh khoản cho các đơn vị này; đồng thời, buộc các ngân hàng thương mại đoạn tuyệt kinh doanh vàng để tránh những hệ lụy xấu như thời gian qua. Hai, khi các ngân hàng thương mại rời xa vàng, tâm lý thị trường đối với đầu cơ vàng dần đi vào ổn định
Tuy nhiên, có hai câu hỏi đặt ra mà đầu tiên là sau tất toán, giá vàng trong và ngoài nước có sát nhau không? Ông Nghĩa nói: “Muốn giá vàng trong nước về sát giá thế giới thì còn rất nhiều việc để làm, đó là tạo ra sự liên thông thị trường thông qua xuất nhập khẩu vàng, tạo cân bằng giá, bất kể là độc quyền nhà nước hay không”.
Theo ông, nếu tiếp tục nhập khẩu vàng, sẽ bị thâm hụt ngoại tệ, ảnh hưởng tới tỷ giá và cán cân thanh toán; còn nếu không, giá trong nước tiếp tục cao hơn giá thế giới và phải chịu áp lực không nhỏ từ xã hội, nhất là khi mà cơ quan này chưa thiết lập được một thị trường liên thông hoàn hảo với sự có mặt của nhiều chủ thể.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy khẳng định: “Sẽ không có chuyện cho phép doanh nghiệp tự chủ xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng mà nhà nước vẫn độc quyền trong vấn đề này. Khi thị trường có nhu cầu, NHNN vẫn bán và mua với vai trò “người mua bán cuối cùng”.
Còn đối với mối quan tâm “sát giá”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định: trong trung và dài hạn, giá vàng trong và ngoài nước sẽ gần nhau hơn, xét ở nhiều góc độ nhưng nổi lên trong đó là những nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chứ không chỉ có vàng như lâu nay; hay nói cách khác là giảm mạnh sự hấp dẫn của vàng trong giới đầu tư, đầu cơ, làm tiền đề để giảm chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước.
Vấn đề thứ hai là việc huy động nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho nền kinh tế như thế nào, tại buổi tiếp xúc nói trên, ông Huy cho biết, một tuần nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo chi tiết về vấn đề “tất toán vàng” cũng như đề xuất phương án huy động nguồn lực vàng trong dân để phục vụ đầu tư trở lại đối với nền kinh tế.
Nguồn Vneconomy