Giá vàng, dầu trong mối quan hệ phức tạp với USD
Lý giải phổ biến nhất cho sự gia tăng giá vàng và giá dầu trong những ngày qua sau phiên họp chính sách của Fed là USD suy yếu, nhưng giá dầu và giá vàng không phải lúc nào cũng có mối quan hệ trái chiều với đồng bạc xanh.
Theo quy luật ngón tay cái, những hàng hóa định giá bằng USD thường diễn biến trái chiều với đồng bạc xanh này vì biến động của đồng tiền này có thể ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của các hàng hóa đối với người mua sử dụng ngoại tệ.
Tuy nhiên, đã nhiều lần “gần như không thể thấy được mối tương quan” giữa giá dầu và USD, theo Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Price Futures Group. Vào nhiều thời điểm, yếu tố cung-cầu làm lu mờ mọi mối lo ngại về USD hoặc tỷ giá hối đoái.
Nếu giới thương nhân muốn mua dầu WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex (CLK5), họ sẽ không quan tâm USD mạnh hay yếu thế nào, ông Phil Flynn cho biết.
Biểu đồ trên cho thấy năm 2009, khi chỉ số đôla ICE (DXY) giảm, giá vàng và giá dầu đều tăng.
Đó là vì chương trình nới lỏng định lượng (QE) đầu tiên của Fed “đã tạo ra sự kết hợp hài hóa giữa USD và giá dầu. QE là yếu tố duy nhất giữ cho nền kinh tế tránh suy thoái, do vậy, thúc đẩy nhu cầu dầu thô”, ông Phil Flynn cho biết.
Đối với giá vàng tương lai trên sàn Comex New York, ảnh hưởng khá khác biệt, nhưng mối quan hệ giữa giá vàng và đồng bạc xanh cũng rất phức tạp.
Theo Brien Lundin, chủ biên Gold Newsletter, khi mọi yếu tố khác cân bằng, USD tăng nghĩa là giá vàng giảm. Do vậy, trong ngắn hạn và nhất là trong những giai đoạn tiền tệ hoặc lạm phát giá không phải là mối quan tâm, giá vàng và USD thường diễn biến trái chiều.
Nhưng “trong giai đoạn khi mọi đồng tiền đang mở rộng cơ sở tiền tệ và công chúng lo ngại về những tác động của việc này, vàng có thể giao dịch với giá cao hơn mọi đồng tiền - kể cả USD và thậm chí khi bản thân USD cũng tăng so với các đồng tiền khác”, ông Brien Lundin nói.
Nguồn DVO/Market Watch