Giá vàng có thể lên 10.000 USD/oz nếu Mỹ quay lại bản vị vàng
Tuy nhiên, việc quay trở lại áp dụng chế độ đã bị dỡ bỏ hơn 40 năm qua vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia, cho rằng thay đổi to lớn như vậy trong hệ thống tiền tệ có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến thương mại và tăng trưởng.
Hội đồng Vàng Thế giới cũng cho rằng việc Mỹ muốn quay về bản vị vàng là rất khó thực hiện bởi việc này sẽ vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, dự trữ vàng toàn cầu hiện nay khó có thể tương đương với cơ sở tiền tệ.
Mỹ đưa ra Hiệp định Bretton Woods từ năm 1944, áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định gắn đồng USD với vàng, khi đó đồng USD được định giá 35 USD/oz. Đến năm 1971, tổng thống Nixon bãi bỏ chế độ này.
Năm 1981, tổng thống Ronald Reagan thành lập Ủy ban Vàng để xem xét việc quay trở về chế độ bản vị vàng. Tuy nhiên, Ủy ban Vàng cho rằng quay về bản vị vàng không phải là một biện pháp tốt để đối phó với tình hình lạm phát gia tăng.
Trong vài năm gần đây, các ngân hàng trung ương tăng cường tích trữ vàng như một tài sản an toàn trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều rủi ro. Lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, các ngân hàng trung ương toàn cầu chuyển từ vị thế bán ròng sang mua ròng vào năm 2010. Hội đồng Vàng thế giới cho biết nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương đang trên đà lên kỷ lục vào năm nay.
Dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương hiện ở 29.500 tấn, chiếm 17% tổng dự trữ vàng toàn cầu (đã khai thác). Các nhà đầu tư nắm giữ khoảng 19% và hơn một nửa số vàng này dưới dạng vàng trang sức.
Giá vàng kỳ hạn trên sàn Comex chốt tuần qua ở 1.672,9 USD/oz, ghi nhận tuần tăng giá 3,3% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa tín hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nguồn Reuters/Khampha