Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 53,57 tỉ USD, giảm 7,7% so với tháng trước. Ảnh: TL.
Giá trị xuất nhập khẩu có thể hồi phục chậm và còn nhiều biến động
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 53,57 tỉ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước, mất đà tăng trưởng liên tiếp kể từ đầu năm.
Cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu (thặng dư 6,35 tỉ USD), song sự sụt giảm mạnh ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu thể hiện rõ những khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh 4 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt 27,54 tỉ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ, và giá trị nhập khẩu đạt 26,03 tỉ USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng giảm mạnh trong tháng 4. Nguồn: DSC. |
Chi tiết, kim ngạch xuất khẩu ở hầu hết các nhóm hàng hóa sụt giảm bởi nhu cầu “yếu” từ các đối tác xuất khẩu như Mỹ và EU, trong đó nhóm điện thoại và linh kiện ghi nhận mức giảm mạnh nhất, giảm 30,9% so với cùng kỳ. Điểm sáng kim ngạch xuất khẩu đến từ nhóm hàng nông sản như gạo, cà phê với mức tăng lần lượt 108,1% và 30,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, do hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước gặp khó khăn dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu (như sắt thép, chất dẻo, ô tô) điều chỉnh tương ứng, giảm bình quân 25% so với cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán DSC đánh giá xu hướng hồi phục từ giao thương quốc tế chưa ổn định, ảnh hưởng nhiều bởi biến số vĩ mô, sự suy yếu của nền kinh tế thế giới. Chu kỳ kinh tế phục hồi từ “con diều ngược gió” Trung Quốc không được như kỳ vọng, cùng với tình hình phức tạp tại thị trường Mỹ và châu Âu; DSC dự phóng giá trị xuất nhập khẩu có thể phục hồi chậm và còn nhiều biến động. Cán cân thương mại dự phóng duy trì xuất siêu, hỗ trợ ổn định tỉ giá.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước gặp khó khăn dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu (như sắt thép, chất dẻo, ô tô) điều chỉnh tương ứng. Nguồn: DSC |
Giai đoạn COVID-19, kinh tế vẫn tăng trưởng tốt là nhờ xuất khẩu, động lực rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu kể từ tháng 8/2022. Cả Mỹ và EU đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, kéo theo tăng trưởng, việc làm và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, trong khi tăng trưởng của Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng là “đã thoát đáy”.
Quý đầu năm 2023, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%, nếu không xét thời điểm nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 (2020-2021) thì đây là mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ quý I/2009. Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế vĩ mô quý I/2023 có thể thấy, dường như tất cả các động lực tăng trưởng đang yếu đi một cách đáng kể, một phần là do sự suy giảm của khu vực FDI, xuất khẩu nhưng cũng có phần nhiều đến từ động lực nội tại như tiêu dùng và đầu tư.
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là năm vô cùng thách thức khi một số nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, trong đó có EU, Mỹ và cả Trung Quốc. Trong bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao với mục tiêu tăng trưởng 6,5%, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là trợ lực kéo tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm