Thứ Sáu | 27/07/2012 14:20

Giá trị tài sản đảm bảo tại 9 ngân hàng niêm yết: hơn 60% là bất động sản

VietinBank, Vietcombank, ACB có tài sản thế chấp bằng bất động sản lớn nhất, trong đó tại ACB bất động sản chiếm tới 80% tổng tài sản đảm bảo.
Trong bản trả lời chất vấn của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dẫn số liệu của cơ quan giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến 31/3/2012, tài sản gán, xiết nợ chờ xử lý trên bảng cân đối kế toán của hệ thống các tổ chức tín dụng là 1.787,9 tỷ đồng.

Nếu căn cứ vào mức dư nợ và nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại các kỳ trước đây, số tài sản gán, xiết nợ chờ xử lý này chiếm 70% tổng dư nợ toàn hệ thống đến cuối tháng 3 và gấp khoảng 17 lần tổng nợ xấu.

Trên cơ sở này, hãy cùng nhìn lại vấn đề nợ xấu và tài sản đảm bảo tại 9 tổ chức tín dụng đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tỷ lệ nợ xấu của 9 ngân hàng niêm yết thấp hơn toàn ngành

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, cuối năm 2011, tổng dư nợ của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 2.632,8 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 3,07%, tương đương 97,4 nghìn tỷ đồng.

Nhìn vào báo cáo tài chính của 9 ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, tổng dư nợ của các tổ chức này cuối năm 2011 là 882 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống.

Tổng nợ xấu của 9 ngân hàng này là 12,1 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 1,37% và chỉ bằng 12,4% tổng nợ xấu của toàn hệ thống. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 5,44 nghìn tỷ đồng, chiếm 45% tổng nợ xấu.

Như vậy, có thể thấy tỷ lệ nợ xấu của 9 ngân hàng niêm yết thấp hơn tỷ lệ chung mặc dù dư nợ cho vay của các các tổ chức này chiếm tới 1/3 tổng dư nợ. Song, đáng lưu ý là số nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng này lại cao hơn xu hướng trung bình của toàn ngành (theo báo cáo của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, tại 31/5/2012, tổng số nợ có khả năng mất vốn chiếm 40% tổng nợ xấu).

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011/GAFIN

Nếu xét riêng từng ngân hàng, Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG) và Eximbank (EIB) là những ngân hàng có nợ xấu tính theo số tuyệt đội cao nhất, điều này có thể hiểu là ngân hàng nào thường ngân hàng nào có dư nợ càng lớn thì kéo theo nợ xấu càng cao. Còn tính theo tương đối, tỷ lệ nợ xấu của Habubank (HBB), Navibank (NVB) và SHB là cao nhất.

Hơn 60% giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản

Để quản lý rủi ro tín dụng (chủ yếu là rủi ro từ nợ xấu), các ngân hàng hiện sử dụng 2 công cụ chủ yếu là yêu cầu có tài sản đảm bảo mới cho vay và thực hiện trích lập dự phòng rủi ro.

Với nguồn xử lý là quỹ dự phòng, đến cuối năm 2011, tổng số dự phòng rủi ro của 9 ngân hàng này là 12,94 nghìn tỷ đồng, gấp 1,07 lần nợ xấu và gấp 2,4 lần tổng số nợ có khả năng mất vốn.

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011/GAFIN

Trong nhóm 9 ngân hàng, VietinBank, Vietcombank, ACB, Eximbank, Sacombank (STB), MB đều có số dự phòng rủi ro lớn hơn tổng mức nợ xấu, ngược lại với 3 ngân hàng như SHB, Habubank hay Navibank.

Từ đây, có thể thấy các ngân hàng quy mô lớn có mức dự phòng khá an toàn, trong khi các ngân hàng nhỏ thì lại tiềm ẩn rủi ro. Đến cuối tháng 5/2012, các tổ chức tín dụng trên toàn hệ thống mới trích lập dự phòng rủi ro được 67,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 57% nợ xấu, thấp hơn tỷ lệ trích của các ngân hàng đã nêu.

Liên quan đến các nguồn tài sản đảm thế chấp, tổng giá trị tài sản đảm đảm bảo cho các khoản vay tại 9 ngân hàng tại ngày 31/12/2011 lên tới 1.523,2 nghìn tỷ đồng, bằng 173% tổng dư nợ và gấp 125 lần tổng nợ xấu của các tổ chức này.

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011/GAFIN

Tài sản đảm bảo của các ngân hàng chủ yếu là các tài sản tài chính, hàng hóa nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, bất động sản..., trong đó tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm tới 62% (945,4 nghìn tỷ đồng). VietinBank, Vietcombank, ACB là những ngân hàng có tài sản thế chấp bằng bất động sản lớn nhất, trong đó tại ACB bất động sản chiếm tới 80% tổng tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, hiện nay giá trị tài sản đảm bảo của 9 tổ chức này chiếm tới 173% tổng dư nợ, trong khi để đảm bảo an toàn, các tổ chức tín dụng thường cho vay bằng 70 - 75% giá trị tài sản đảm bảo. Như vậy, có thể xảy ra trường hợp các ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu, mà cái khó có lẽ nằm ở các tài sản đảm bảo là bất động sản khi mà thị trường bất động sản hiện "đóng băng", giá giảm sút.

Theo thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước, sắp tới đây, dù Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng không nên đặt nặng vấn đề xử lý tài sản bản đảm để thu hồi nợ bằng bất cứ giá nào, song một phần tài sản thế chấp bất động sản sẽ được Chính phủ xem xét mua lại theo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng hiện nay cũng cần phải chú ý hơn đến việc quản trị rủi ro, trong đó đặc biệt là vai trò của Ủy ban ALCO (Ủy ban quản lý tài sản nợ - có) trong việc xét duyệt tín dụng, xử lý các khoản vay có vấn đề và xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ.

Nguồn Khampha


Sự kiện