Thứ Năm | 09/05/2013 06:57

Giá trị hạt gạo: Bao giờ được nâng cao?

Luôn được coi là mặt hàng chiến lược, đem lại giá trị xuất khẩu cao trong 20 năm qua, song giá trị xuất khẩu gạo vẫn thấp dù xuất khẩu nhiều.
Mối lo giá giảm

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, 4 tháng đầu năm, ngành gạo đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4,231 triệu tấn gạo, tăng so 9,92% với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, gạo đang giảm rất mạnh. Gạo giảm giá khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với thực trạng thua lỗ, giá mua gạo của nông dân tiếp tục giảm thấp.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong chuỗi giá trị hạt gạo, lợi nhuận của những thành phần tham gia là nông dân được 37%, thương lái 18,9%, cơ sở xay xát 12,3%, nhà máy lau bóng gạo 4% và doanh nghiệp xuất khẩu là 27,8%. Song trên thực tế, phần trăm lợi nhuận mà nông dân được hưởng không đạt được 30% và cho dù Việt Nam xuất khẩu được một lượng gạo lớn đến mức nào đi chăng nữa thì giá trị kinh tế thu về không hề tương xứng.

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng nguyên nhân của tình trạng nêu trên chủ yếu vẫn do phương thức tổ chức sản xuất lúa gạo ở nước ta chưa tốt, tồn tại quá nhiều trung gian trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Chất lượng lúa nguyên liệu, quá trình bảo quản chế biến chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hơn hết, vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và hợp tác với người nông dân còn mờ nhạt, thiếu ràng buộc bởi những quy định có tính pháp lý.

Biết nguyên nhân nhưng khó khắc phục

Trên thực tế, chính việc sản xuất manh mún như hiện nay đã gây khó khăn trong việc áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Ngoài ra, việc sản xuất manh mún còn gây khó khăn trong việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp chế biến hoặc bao tiêu sản phẩm cũng khó có thể ký kết hợp đồng liên kết với các hộ nông dân có quy mô sản xuất, trình độ canh tác khác nhau.

Tuy biết nguyên nhân song trên thực tế, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đang phải phụ thuộc quá nhiều vào khâu trung gian. Con đường hạt gạo từ tay người nông dân đến với doanh nghiệp xuất khẩu qua quá nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí, giảm chất lượng. Đó cũng chính là một nhược điểm khiến gạo xuất khẩu Việt Nam luôn thua gạo Thái Lan, mặc dù có lúc, có thời điểm đã vượt ngôi xuất khẩu của nước này.

Một chuyên gia ngành nông nghiệp phân tích nguyên nhân giá gạo xuất khẩu Việt Nam không cao do chất lượng gạo xuất khẩu xấu. Chất lượng xấu do gạo đến tay thương lái bị trộn lẫn nhiều giống chất lượng cao thấp khác nhau rồi mới đến tay doanh nghiệp xuất khẩu. Theo vị chuyên gia này, doanh nghiêp xuất khẩu hiện nay hầu hết vẫn đang phải dùng cách thu gom gạo từ nhiều thương lái và mỗi loại gạo được thương lái đánh bóng một kiểu, nhiều khi chất lượng không đảm bảo vì phải chạy theo số lượng.

Để nâng cao chất lượng chuỗi giá trị cho hạt gạo, giới chuyên gia cho rằng điều đầu tiên cần làm là hạn chế được khâu trung gian, thương lái. Theo các chuyên gia, cần tiếp tục xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Theo đó là phải tập hợp được các hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ vào trong một cánh đồng lớn, để cùng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa. Đây chính là cơ sở để đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap, tiến đến xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam kể cả trong nước và xuất khẩu.

Nguồn Đại đoàn kết


Sự kiện