Thứ Năm | 10/10/2013 09:25

Giá trị danh mục đầu tư chứng khoán của khối ngoại đạt 11,5 tỷ USD

Đến giữa tháng 9/2013, tổng giá trị danh mục của khối ngoại đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Dòng vốn ngoại đang có thêm những diễn biến tích cực.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết khi trao đổi với Đầu tư chứng khoán.

Thưa ông, tính đến hết tháng 9/2013, tổng lượng vốn ngoại đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đạt giá trị bao nhiêu? Đâu là xu hướng nổi bật của dòng vốn này trong thời gian gần đây?

Tính đến giữa tháng 9/2013, giá trị danh mục đầu tư chứng khoán của khối nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 11,5 tỷ USD, trong đó cổ phiếu niêm yết chiếm 70%, cổ phiếu chưa niêm yết (không tính vốn M&A) chiếm khoảng 9%, trái phiếu ước 18% và lượng tiền mặt chiếm khoảng 3%.

Đến cuối tháng 7/2013, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào TTCK Việt Nam gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng vừa qua, tuy dòng vốn FII vào thị trường suy giảm, nhưng hai tuần trở lại đây bắt đầu có tín hiệu hồi phục.

Kết quả bước đầu của quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán nói chung, hệ thống công ty quản lý quỹ (QLQ) và quỹ đầu tư nói riêng đang tác động đến sự hưng phấn của dòng vốn ngoại? Kết quả tái cấu trúc hệ thống công ty QLQ và quỹ đầu tư đến nay như thế nào, thưa ông?

Thực tế cho thấy, quá trình tái cấu trúc hệ thống quỹ đầu tư vừa qua không những không gây xáo trộn đến hoạt động cũng như tâm lý chung của thị trường, mà còn giúp bảo vệ được lợi ích của nhà đầu tư tham gia vào quỹ (giá trị tài sản ròng của các quỹ liên tục tăng mạnh).

Trong lĩnh vực quỹ đầu tư, công tác tái cấu trúc được thực hiện trên cả hai phương diện: tái cấu trúc hệ thống công ty QLQ và các quỹ đầu tư. Hiện tại, việc tái cấu trúc các công ty QLQ đang được thực hiện theo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn. Trong tổng số 47 công ty QLQ được cấp phép hoạt động, đến nay chỉ còn 41 công ty đang hoạt động; 6 công ty còn lại đã được xử lý bằng nhiều giải pháp khác nhau: 1 công ty giải thể, 3 công ty tạm ngừng hoạt động, 2 công ty đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Quá trình tái cấu trúc hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán đã đạt được kết quả tương đối rõ rệt. Việc này được triển khai theo đúng hai định hướng quan trọng đề ra. Thứ nhất là thay thế dần thế hệ quỹ đóng bằng hệ thống quỹ mở hoạt động linh hoạt hơn, có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.

Thứ hai, thay thế dần các quỹ thành viên bằng hệ thống quỹ đại chúng (quỹ mở) hoạt động minh bạch hơn. Trong tổng số 19 quỹ đang hoạt động, ngoài 4 quỹ đóng, đã có 6 quỹ mở được cấp phép chào bán hoặc thành lập. Như vậy, tổng số quỹ đại chúng chiếm hơn 50% số lượng quỹ đang hoạt động. Trong số 6 quỹ đóng, đã có 2 quỹ chuyển đổi sang quỹ mở thành công, dự kiến thời gian tới sẽ có 1 quỹ đóng khác được chuyển đổi. Có 2 quỹ đóng đang trong quá trình thanh lý tài sản để giải thể. Dự báo, đến cuối năm nay, sẽ chỉ còn 1 quỹ đóng hoạt động.

Ngoài 6 quỹ mở hiện tại, dự kiến đến cuối năm nay, thị trường sẽ có thêm bao nhiêu quỹ mở đi vào hoạt động? Các quỹ này có mở rộng phạm vi hoạt động đầu tư, hay vẫn chủ yếu đầu tư vào trái phiếu như các quỹ hiện tại?

Từ nay tới cuối năm, căn cứ vào tình trạng đầy đủ hồ sơ của các quỹ, dự kiến sẽ có thêm ít nhất 3 quỹ mở khác được cấp phép chào bán hoặc chuyển đổi. Ngoài ra, Vụ Quản lý quỹ, UBCK cũng đã thẩm định và cho ý kiến sơ bộ đối với 4 quỹ mở khác. Tuy nhiên, với những trường hợp này, hiện các công ty QLQ vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ cấp phép hoạt động theo yêu cầu của UBCK. Do việc hoàn thiện hồ sơ của các công ty QLQ đang chậm, nên số lượng quỹ mở thành lập trong năm nay sẽ ít hơn so với dự kiến trước đó.

Đáng chú ý, trong số các quỹ mở đã được cấp phép chào bán, cấp phép thành lập, xuất hiện các quỹ đầu tư cổ phiếu với chiến lược đầu tư khác nhau, thay vì chỉ chuyên đầu tư vào trái phiếu như các quỹ mở ra đời đầu tiên. Các công ty QLQ dường như đã thay đổi nhận định về diễn biến của thị trường chứng khoán, nên chiến lược đầu tư cho các quỹ mở khá linh hoạt, bởi không chỉ phạm vi và mục tiêu đầu tư rộng hơn, mà chiến thuật đầu tư cũng đa dạng hơn.

Cùng với số lượng quỹ mở thành lập mới gia tăng, việc phần lớn các quỹ đóng chuyển sang quỹ mở có phản ánh xu hướng tương lai của ngành quỹ Việt Nam chính là quỹ mở, thưa ông?

Xu hướng này đúng là đang phản ánh tương lai của ngành quỹ Việt Nam. Diễn biến này cũng không khác biệt so với xu hướng phát triển của ngành quỹ toàn cầu. Ngoài đặc tính bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư tham gia vào quỹ tốt hơn, tính ưu việt của quỹ mở còn thể hiện ở chỗ, các sản phẩm này đã và đang trở thành những nhân tố nền tảng hỗ trợ cho sự hình thành hệ thống chương trình hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung theo thông lệ quốc tế.

Trong bối cảnh quy định pháp lý đã sẵn sàng cho sự ra đời của nhiều sản phẩm quỹ mới như quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản, UBCK có biện pháp nào thúc đẩy để các sản phẩm này sớm ra mắt thị trường, thưa ông?

Trong thời gian tới, với hệ thống khung pháp lý đã đầy đủ cho nhiều loại hình sản phẩm quỹ đầu tư ra đời, cơ quan quản lý thị trường, đặc biệt các công ty QLQ sẽ tập trung phát triển và cung cấp nhiều sản phẩm quỹ hơn nữa.

Đến thời điểm này, ngoài quy định pháp lý đã sẵn sàng, công tác chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu triển khai quỹ ETF đang được các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán gấp rút hoàn thiện. Hiện tại, về cơ bản, không còn nhiều vấn đề kỹ thuật chưa thể xử lý. Việc chuẩn bị các bộ chỉ số có thể đầu tư cũng đã được các Sở rốt ráo thực hiện. Trong khi cơ quan quản lý, tổ chức thị trường đã có bước chuẩn bị tích cực, việc xuất hiện quỹ ETF nội địa đầu tiên sớm hay muộn là tùy thuộc vào các công ty chứng khoán, công ty QLQ.

Khi bối cảnh thuận lợi, các công ty QLQ có thế mạnh trong lĩnh vực bất động sản cũng có thể cân nhắc cho ra đời các quỹ đầu tư bất động sản, các công ty đầu tư chứng khoán chuyên đầu tư vào bất động sản, để đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của thị trường.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Sự kiện