Giá tôm nguyên liệu tại Kiên Giang giảm mạnh
Nguyên nhân xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do thị trường châu Âu, Mỹ và một số thị trường các nước khác vẫn đang trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút nên các doanh nghiệp vừa không ký được hợp đồng mới với đối tác, vừa giảm đơn đặt hàng nhập khẩu từ khách hàng truyền thống.
Nhiều doanh nghiêp chế biến xuất khẩu thủy sản thiếu vốn nhưng không tiếp cận được vốn vay ngân hàng hoặc vay với lãi suất khá cao không đủ bù chi phí sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng, ấn định giá mua tôm nguyên liệu thấp.
Mặt khác, các nước Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh có sản lượng tôm khá nhiều, giá thấp được nhiều khách hàng chọn mua dẫn đến cạnh tranh gay gắt với tôm Việt Nam trên thị trường thế giới; thị trường Nhật đang trong xu hướng nhập khẩu loại tôm sinh thái tự nhiên nên đầu ra tôm nuôi nước ta hạn chế, giá cả sụt giảm.
Từ đầu vụ đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thả tôm nuôi 85.864ha, đạt gần 100% kế hoạch năm, trong đó diện tích tôm-lúa 68.300ha, tập trung ở các huyện An Minh, Vĩnh Thuận, An Biên, Gò Quao, U Minh Thượng; nuôi tôm công nghiệp 1.214ha ở huyện Kiên Lương, Giang Thành và còn lại là nuôi tôm quảng canh cải tiến. Sản lượng thu hoạch hơn 22.625 tấn, đạt 51,11% kế hoạch.
Bên cạnh đó, nông dân trong tỉnh còn thả nuôi xen canh cua biển với tôm sú trong mô hình tôm-lúa ở hai huyện An Biên và An Minh hơn 34.000ha.
Sản lượng thu hoạch đến nay khoảng 2.000 tấn cua thương phẩm, góp phần ổn định thu nhập cho người nuôi tôm trong hoàn cảnh tôm nuôi bị bệnh, chết trước đó và giá tôm giảm thấp hiện nay.
Nguồn Vietnam+