Giá thuốc và dịch vụ y tế đẩy CPI TPHCM tăng nhẹ
Ngày 23/3, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2016 của thành phố tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 0,64% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,74%).
Đại diện Cục Thống kê thành phố cho biết trong tổng số 11 nhóm hàng được thống kê thì có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó dẫn đầu nhóm hàng tăng giá là thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,69%.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng giá đột biến trong tháng này là do chịu ảnh hưởng từ việc ngành y tế điều chỉnh tăng giá khoảng 1.887 dịch vụ y tế, kỹ thuật tại các cơ sở y tế kể từ ngày 1/3.
Tiếp theo các nhóm hàng tăng giá trong tháng 3/2016 lần lượt là nhóm giáo dục tăng 2,92%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,34%; nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,22%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,06%.
Mặt khác, trong tháng 3/2016 có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước gồm: nhóm hàng giao thông vận tải; hàng hóa và dịch vụ khác; uống và thuốc lá; bưu chính viễn thông; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón giày dép.
Trong tháng 3/2016, chỉ số giá USD tăng 3,44% so cùng kỳ, giảm 1,35% so đầu năm; còn chỉ số giá vàng giảm 4,36% so cùng kỳ, tăng 1,44% so đầu năm.
Trong khi đó, trong 3 tháng đầu năm 2016, tình hình xuất nhập nhập hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả khả quan, đều tăng hơn so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố trong 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 6,7 tỷ USD, tăng 0,1% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,9%). Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,8% (cùng kỳ tăng 7,3%).
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn trong 3 tháng qua ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 8,2 % so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,2%), các ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như dược phẩm tăng 30,2%, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 20,1%.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc tăng 26,5%; Hong Kong tăng 10,3%; Indonesia tăng 308,9%; Netherlands tăng 26,6%; Philippines tăng 36,1%. Riêng thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc xuất khẩu chậm lại.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như thủy sản tăng 4,1%; càphê tăng 14%; gạo tăng 161,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 25,6%.
Để đạt được kết quả trên, Thành phố Hồ Chí Minh phố đã thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng sức mua, trao đổi hàng hóa.
Cụ thể như triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại-đầu tư năm 2016 với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình để tập trung thu hút mọi nguồn lực góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế gắn với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh.
Thành phố cũng thường xuyên tiếp nhận và trao đổi các thông tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước về ngành hàng, thị trường xuất khẩu, các thông tin dành cho khách mua hàng và nhà đầu tư nước ngoài, các tin tức hoạt động xúc tiến; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguồn Vietnam+