Giá thịt heo vẫn leo thang và chưa có dấu hiệu giảm.

 
Minh Anh Thứ Tư | 22/04/2020 15:51

Giá thịt heo leo thang, doanh nghiệp ngành chăn nuôi được mùa

Ngoài thị trường, giá thịt heo vẫn trên đà tăng, còn trên sàn chứng khoán, cổ phiếu các doanh nghiệp chăn nuôi cũng trên sóng đi lên.

Doanh nghiệp ứng phó với giá?

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá thịt heo vẫn leo thang và chưa có dấu hiệu giảm. Theo mức giá hiện nay từ 87.000 - 95.000 đồng/kg thịt hơi (nguyên con), thịt heo đang tăng trên 200% so với đầu năm 2019. 

15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, chiếm khoảng 35% sản lượng, đã cam kết hạ giá heo hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, trong hôm nay (22.4), giá thịt heo hơi vẫn đứng ở mức 93.000 đồng/kg. 

Trong cuộc họp sáng 21.4 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: "Hiện giá bán thịt heo đến tay người tiêu dùng cao hơn nhiều so với giá thành. Vậy liệu có chuyện làm giá hay không? Lò giết mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào hưởng lợi trong vấn đề này?" 

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường với báo chí: Giá thịt heo vẫn cao là do giai đoạn này chúng ta chưa đủ lượng thịt heo để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. "Trước khi có dịch, mỗi quý cần tới 910.000 tấn, vừa qua chúng ta mới đạt 820.000-830.000 tấn. Phải đến quý IV/2020 mới đạt được sản lượng đó".

Hiện tại, các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt heo cũng phải cân đối nhiều phương án cho thị trường vì sắp tới nguồn thịt heo vẫn hạn chế. Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) TP.HCM, nhu cầu của đơn vị khoảng 750 con heo hơi/ngày nhưng lượng mua được từ công ty chăn nuôi với giá 70.000 đồng/kg hiện chỉ khoảng 50 con, 700 con còn lại phải mua các trang trại với giá lên đến 92.000 đồng/kg. 

Bình thường Vissan có 10 nguồn cung heo hơi từ các công ty chăn nuôi với lượng lớn nhưng nhiều ngày qua giảm dần và hiện chỉ còn một đơn vị với lượng heo ít ỏi. Lý do được các đơn vị này giải thích là không đủ heo bán.

Tại Công ty CP Việt Nam, giá heo hơi bán ra vẫn giữ ở mức 70.000 đồng/kg và heo mảnh 95.000 đồng/kg. Công ty CP hiện bị giảm khối lượng heo hơi dù số lượng vẫn được đơn vị bán ra ổn định ở mức bình quân 17.000 con/ngày.

"Áp lực nhu cầu thị trường nên hiện heo hơi của CP xuất bán phần lớn chỉ 80-85 kg/con, thay vì chờ đủ 110-120 kg như bình thường. Điều này có thể khiến lượng heo đưa ra thị trường ít hơn, CP không ghim heo để đẩy giá", đại diện CP chia sẻ với báo chí. Hiện nguồn nguyên liệu tích trữ để sản xuất thức ăn chăn nuôi của CP Việt Nam chỉ đủ để sản xuất đến hết tháng 5.2020. Nếu không khắc phục được nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì sắp tới Việt Nam sẽ thiếu nguồn thịt heo.

 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thịt heo hiện là vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65-70% trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam. Vì vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ: Trong chiến lược chăn nuôi tới đây, sẽ giảm cơ cấu thịt heo xuống 65-67%, sau đó tiếp tục giảm xuống 61-62%, cùng đó đẩy tỉ lệ tiêu dùng gia cầm như gà, vịt..., thủy sản như tôm, cá..., thịt trâu bò và các loại thực phẩm khác lên.

Cổ phiếu chăn nuôi được mùa

Giá thịt heo tăng đã tác động mạnh đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến heo. Ngoài mức doanh thu dự kiến khả quan, cổ phiếu của ngành này đang tăng cao.

Thị giá cổ phiếu VSN của Vissan tăng hơn 56% chỉ sau 1 tuần giao dịch vừa qua, từ mức 24.000 đồng/cổ phiếu lên mức 32.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay DBC là một trong số ít các cổ phiếu trên sàn chứng khoán tăng điểm trong "cơn bão" dịch bệnh COVID-19. 

Mã DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng liên tục tăng tốt những phiên gần đây, sau thông tin lãi quý I/2020 đột biến. Kết thúc quý I/2020, doanh thu DBC tăng lên 3.268 tỉ đồng, tăng 83% và lợi nhuận sau thuế trên 340 tỉ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ nhờ sản lượng thực phẩm tăng mạnh. 

Thậm chí, 2 phiên cuối tuần DBC tăng trần, khối lượng giao dịch cải thiện đáng kể. Trong 10 phiên giao dịch gần đây nhất, DBC có đến 9 phiên tăng điểm, mà trong số đó đã có 3 phiên tăng trần, chỉ một phiên giảm sàn vào ngày 20.4.2020.

Về tình hình kinh doanh, Dabaco đã xây dựng kế hoạch năm 2020, trong đó đặt chỉ tiêu tổng doanh thu (bao gồm cả doanh thu nội bộ) đạt 13.203 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 512 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 457 tỉ đồng.

Cũng tăng gấp đôi thị giá, cổ phiếu MLS của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco hiện giao dịch tại mức 11.700 đồng/cổ phiếu. Liên tục kịch trần, thị giá MLS tăng mạnh từ mức 5.000-6.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau 1 tuần giao dịch.

Mitraco là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn tại khu vực miền Trung. Kế hoạch năm 2020, Công ty dự kiến doanh thu đạt 255 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về 11,5 tỉ đồng.

Một đơn vị chăn nuôi khác, mã PSL của Chăn nuôi Phú Sơn cũng kịch trần, tăng từ vùng 17.000 đồng/cổ phiếu lên 23.000 đồng/cổ phiếu sau vài phiên giao dịch, thanh khoản không có nhiều thay đổi. Được biết, PSH hiện sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu các loại gia súc, gia cầm, thủy sản và những vật nuôi khác: cá sấu, đà điểu, baba, chế biến súc sản, thủy sản...