Giá cả leo thang chóng mặt khiến nhiều nhà phân tích tin rằng một “siêu chu kỳ” đã chính thức bắt đầu. Ảnh: TL
Giá thép tăng phi mã
Xu hướng giá lên của thị trường nguyên vật liệu càng trở nên mạnh mẽ trong bối cảnh các nền kinh tế lớn của thế giới khởi sắc nhanh sau khi bước đầu kiểm soát được dịch bệnh. Giá cả leo thang chóng mặt khiến nhiều nhà phân tích tin rằng một “siêu chu kỳ” đã chính thức bắt đầu. Đặc biệt, giá thép thế giới đang tăng phi mã. Tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn đã tăng lên 865 USD/tấn hiện nay, từ mức 660 USD/tấn đầu năm 2021.
Tại Việt Nam, giá thép duy trì đà tăng liên tục trong nhiều tháng qua và thiết lập đỉnh mới khi vượt ngưỡng 17.000 đồng/kg vào trung tuần tháng 5. Với đà tăng này, cũng có nhiều lo ngại cho rằng giá thép có thể lặp lại cuộc khủng hoảng năm 2008. Khi đó, giá phôi thép thế giới tăng liên tục, có lúc lên cả ngàn USD/tấn, kéo theo giá thép trong nước tăng cả chục triệu đồng/tấn, lên 22.000-23.000 đồng/kg.
Thép là nguyên vật liệu chiếm tỉ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng, với tốc độ giá thép tăng 40-50%, các nhà thầu xây dựng và doanh nghiệp bất động sản đang điêu đứng. Thậm chí, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) phải kiến nghị Văn phòng Chính phủ có biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến.
Có thể thấy, lượng phôi thép sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Năm 2020, cán cân thương mại với thép của Việt Nam là 6,4 tỉ USD khi phải nhập khẩu quặng sắt cho các lò cao hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện...
Nhưng Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phôi để điều chỉnh tăng giá, khiến các nước nhập khẩu phôi trong đó có Việt Nam bị động về nguyên liệu. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn của Trung Quốc tăng 10% lên mức cao kỷ lục, trong khi giá thép tăng 6% chạm mức giới hạn giao dịch, do động thái hạn chế công suất của Bắc Kinh làm dấy lên lo lắng về tình trạng thiếu nguồn cung và thúc đẩy hoạt động mua đầu cơ.
Năm 2021, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm sắt thép cũng sẽ tăng mạnh. Ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục khi Chính phủ triển khai các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và các đường dây truyền tải điện 500 KV sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua... “Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện”, Hiệp hội Thép Việt Nam đưa ra dự báo.
Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhiều nước đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để vực dậy kinh tế, khắc phục suy thoái hậu COVID-19. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch COVID-19, nhu cầu thép quốc tế tăng gần 5%, tương ứng 1,83 tỉ tấn vào năm 2021; riêng Trung Quốc là 991 triệu tấn, tăng 1%.
Trong xu hướng này, Ngân hàng Citigroup dự báo giá quặng sắt tiêu chuẩn có thể đạt 200 USD/tấn trong vòng vài tuần tới. Thế giới sẽ thiếu hụt 18 triệu tấn quặng sắt trong 3 quý đầu năm 2021 do nhu cầu thép toàn cầu tăng và sản lượng quặng của các mỏ lớn không đạt dự báo. Trước đó, Citigroup dự báo nguồn cung quặng sắt toàn cầu dư 1 triệu tấn trong 3 quý đầu năm. Giới phân tích dự báo giá quặng sắt tiêu chuẩn có thể lên 200 USD/tấn, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 USD/tấn thiết lập cách đây 1 thập kỷ.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Ngoài ra, giá thép tăng còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển. Vì vậy, giá thép sẽ có khả năng còn tăng. Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ thép năm 2021 có thể tăng từ 3-5% so với năm 2020.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận, năng lực sản xuất của thép xây dựng hiện nay khoảng 14 triệu tấn/năm, bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Tuy năng lực nguồn cung thừa nhưng khả năng cung ứng đang gặp trở ngại khi dịch COVID-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, nhiều dự báo cho thấy thị trường thép trong thời gian tới có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới.
“Chu kỳ giá thép tăng sẽ tiếp diễn đến giữa năm 2021 nhờ vào những diễn biến đang diễn ra tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và EU”, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định.