Ảnh: TL.

 
Bảo Trung Thứ Sáu | 20/12/2019 14:47

Gia sư Edubox

Mô hình kinh tế chia sẻ được áp dụng vào giáo dục...

Với mong muốn giải quyết nhu cầu việc làm cho sinh viên, giáo viên sư phạm, chàng trai sinh năm 1994 Nguyễn Hà Minh Thông đã thành lập startup cung cấp hệ sinh thái giáo dục Edubox theo mô hình Uber và Grab. Mô hình này giúp những người có nhu cầu đi dạy có thể tìm được việc từ các tin đăng tuyển gia sư từ các gia đình và thậm chí là những trung tâm giới thiệu việc làm.

Khi kinh tế và đời sống vật chất ngày càng được cải thiện thì người dân ngày càng chú trọng tới giáo dục và y tế. Đặc biệt, nhiều bậc cha mẹ có tâm lý yên tâm hơn khi cho con học thêm ngoài giờ. Áp lực thua kém bạn bè khiến các phụ huỵnh lo lắng về việc con cái họ bị tụt lại phía sau.

 

Theo tìm hiểu của Edubox, thị trường dạy học thêm tại Việt Nam đang trị giá 11,3 tỉ USD, chiếm tới 80% tổng giá trị của cả ngành giáo dục tại Việt Nam. Hơn nữa, theo Minh Thông, 47% chi tiêu của người Việt Nam là dành cho giáo dục. Với nhu cầu lớn như vậy, nguồn cung giáo viên dạy thêm trở thành một thách thức không nhỏ.

Trong khi đó, nhiều sinh viên các trường sư phạm dù có thực lực nhưng lại gặp khó khăn tìm việc làm thêm, đa phần là do vướng giờ học. Nhiều người phải chạy xe ôm để trang trải cuộc sống và học tập. Ngoài ra, nhiều sinh viên ra trường cũng khó để tìm được một công việc ổn định khi ngày càng nhiều cơ quan đang tinh giản biên chế.
Minh Thông chia sẻ: “Nếu những sinh viên giỏi chỉ chạy xe ôm thì đất nước sẽ rất khó phát triển”. Do đó, vào cuối năm 2016, Thông nung nấu quyết tâm xây dựng nền tảng giáo dục từ khi còn là sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM. Cuối cùng, Edubox chính thức ra mắt vào tháng 5.2019, với nhiều tính năng như đăng tuyển gia sư, kết nối gia sư với phụ huynh, tìm kiếm các trung tâm truyền thống quanh khu vực. Edubox cũng có một tính năng đặc biệt đó là cho phép phụ huynh thương lượng giá tiền của buổi học ngay trên ứng dụng của Edubox, từ đó, sẽ tránh được việc đi ngoài giờ như các ứng dụng kinh tế chia sẻ khác.

Những người đăng ký làm gia sư sẽ kết nối trực tiếp với hàng ngàn học viên và không cần phải đặt cọc so với mô hình trung tâm gia sư truyền thống, cũng không bị hạn chế số lượng lớp. Họ cũng có thể chọn lớp phù hợp với thời gian, địa điểm và chuyên môn một cách dễ dàng. Hệ thống của Edubox cũng có bài kiểm tra trình độ và các buổi đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng, từ đó đổi mới phương thức giáo dục cũ để phù hợp với thời đại công nghệ mới, mang tính tiện lợi, giảm tải áp lực về giáo dục học hành.

 

Hiện trên thị trường cũng có các ứng dụng có mô hình tương tự. Với một ứng dụng mới xuất hiện, để thay thế cách tìm kiếm gia sư truyền thống, Edubox có rất nhiều việc phải làm. Khó khăn lớn nhất trong quá trình phát triển khiến người sáng lập Edubox trăn trở là làm sao để thay đổi được hành vi khách hàng. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng ra mắt, nền tảng giáo dục Edubox của chàng trai 9X này đã có hơn 10.000 người đăng ký hợp tác cũng như đăng tuyển cho con mình. Tỉ lệ tăng trưởng hằng tháng cũng khá ấn tượng, lên tới hơn 100% cùng với trên 3.000 người dùng thường xuyên với nhiều phản hồi rất tích cực. Hiện nay, số lớp học của Edubox đã lên tới con số 500 với hơn 4.000 gia sư.

Minh Thông nói thêm: “Edubox cũng tạo fanpage trên Facebook để mọi người phản hồi. Rất vui khi thấy hầu hết đều là những lời cảm ơn của sinh viên. Trong đó, các sinh viên cũng tự động giới thiệu cho nhau những trung tâm uy tín để mọi người có thể tìm được công việc tốt hơn”.

Mới đây, startup này đã lọt vào top 5 những startup được yêu thích nhất do giới khởi nghiệp bình chọn tại giải thưởng Startup Wheel của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC), cũng như được đề cử tại giải I-star 2019 của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Edubox đã được BSSC hỗ trợ gọi vốn hơn 2,13 tỉ đồng. CEO Nguyễn Hà Minh Thông cũng tiết lộ, có 2 nhà đầu tư thiên thần từ các công lớn đã đầu tư vào Edubox.

Với những thành công trong năm 2019, Minh Thông chia sẻ trong tương lai, sẽ áp dụng thêm trí tuệ nhân tạo (A.I) vào một phần nhỏ hệ thống của mình để việc tìm kiếm dễ dàng hơn. Hiện Edubox tập trung chủ yếu vào thị trường TP.HCM nhưng Công ty đang có kế hoạch mở rộng ra thị trường Hà Nội và Đà Nẵng.

►Startup Hàn rủ nhau vào Việt Nam

►Startup trên sàn đấu triệu USD