Thứ Ba | 12/04/2016 13:19

Gia nhập TPP: Cơ hội, thách thức song hành

Không lâu nữa, Việt Nam sẽ chính thức bước vào sân chơi lớn: Sân chơi của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong sân chơi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ kinh doanh, phát triển thế nào trước các áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt?

Hội nghị “ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cùng Công ty cổ phần Truyền thông Nhân sự (HR Media) phối hợp tổ chức đã tập trung bàn đến vấn đề này. Những nội dung được trình bày chi tiết bao gồm: sự phát triển kinh tế Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP; triển vọng, cơ hội và thách thức đối với đầu tư và thương mại trong TPP; các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ; những thay đổi chính sách về lao động của Việt Nam khi TPP có hiệu lực.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP cho rằng, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia vào sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, FTA với EU và TPP là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ tự do hóa rất sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và chế tài xử phạt khi vi phạm nghiêm ngặt. Vì thế, cơ hội  từ các hiệp định FTA đưa đến cho Việt Nam rất nhiều, từ thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tạo ra việc làm, thúc đẩy tăng trưởng đến tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô thị trường rộng lớn. Ngoài ra, việc tiếp thu công nghệ sản xuât và công nghệ quản lý mới sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; điều chỉnh quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước theo hướng cân bằng hơn; tạo dựng khuôn khổ cho cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao vị thế của Việt Nam tại một khu vực phát triển năng động.

Nhưng hội nhập sâu rộng cũng dễ khiến Việt Nam rơi vào thế cạnh tranh quyết liệt trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và chất lượng  thể chế- môi trường kinh doanh. Việt Nam sẽ gặp các thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, về an ninh mạng. Đặc biệt, khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương nếu sản phẩm Việt Nam không bao đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không phòng chống được dịch bệnh cũng như không xâm nhập được vào thị trường các nước. Khi đó, dù các nước trong FTA có đưa thuế nhập khẩu về 0% thì Việt Nam cũng không tận dụng được cơ hội. Trong khi các nước lại tự do trong đưa hàng vào Việt Nam.

Nói như ông Trương Đình Tuyển, nghĩa là cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó không biến thành sức mạnh trên thị tường mà phải thông qua chủ thể là Nhà nước và doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2018, không phải tất cả các hiệp định đều tác động đầy đủ (dù theo lộ trình cam kết) mà sẽ theo thời gian có hiệu lực đã xác định và điều kiện giả định.

Việt Nam giai đoạn 2016-2018 phát triển ra sao là khó dự báo, bởi các yếu tố tác động đến tăng trưởng mỗi quốc gia là bất định, ẩn chứa nhiều rủi ro. Ngoài ra, dù kinh tế vĩ mô Việt Nam đã ổn định hơn, nhưng vẫn còn những hạn chế yếu kém như:  cân đối ngân sách rất căng thẳng, nợ công tăng cao; nợ xấu chưa được xủ lý tốt; doanh nghiệp trong nước rất khó khăn; tiến trình tái cơ cấu diễn ra chậm...

Các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã có những trao đổi về tương lai cho sự hợp tác phát triển của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam; kỳ vọng của nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam khi TPP có hiệu lực; lộ trình cải cách chính sách để đáp ứng những yêu cầu của TPP và những tác động đến chiến lược kinh doanh tại Việt Nam; tiềm năng, cơ hội và thách thức của các ngành sản xuất, dịch vụ; các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ; thay đổi chính sách về lao động của Việt Nam khi TPP có hiệu lực; tác động của tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO đến khả năng cạnh tranh cấp doanh nghiệp và quốc gia trong TPP;…

Chia sẻ về những thách thức trong việc tuân thủ các cam kết về thương mại trong TPP, ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng, các công ty đa quốc gia (FDI) sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do những hiệp định FTA, trong đó có TPP mang lại, khi sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường TPP. Điều này cũng mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI  tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ, tuy nhiên phải chú ý  các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang một nước TPP.

Về phía Chính phủ, theo ông Nestor Scherbey, nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các doanh nghiệp FDI và các nhà cung cấp trong nước, với mục đích xác định các cơ hội cho các công ty Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập các nguồn thông tin thương mại FTA và các trung tâm hỗ trợ  doanh nghiệp Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những trung tâm thông tin thương mại mới này nên tiến hành nghiên cứu thị trường xuất khẩu liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài, nên dịch các tiêu chuẩn và yêu cầu nước ngoài, phổ biến thông tin này cho các doanh nghiệp trong nước.