Thứ Sáu | 11/09/2015 12:05

Giá lương thực toàn cầu giảm mạnh nhất 7 năm do thừa cung

Thừa cung từ ngũ cốc đến sữa và lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc kéo giảm nhu cầu đã khiến giá lương thực giảm mạnh nhất 7 năm qua.

Theo báo cáo của Tổ chức nông lương thế giới (FAO) công bố hôm thứ Năm 10/9, chỉ số giá lương thực tháng 8 toàn cầu giảm 5,2% so với tháng trước đó xuống 155,7 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008. Hiện chỉ số này đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Nhiều năm dư cung và sản lượng ngũ cốc đạt kỷ lục đã khiến dự trữ lương thực toàn cầu tăng mạnh và giá giảm 35% kể từ mức đỉnh năm 2011.

Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế học cao cấp tại FAO cho biết, áp lực đối với giá lương thực sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2016. Nguồn cung lúa mỳ vẫn dồi dào trong khi giá năng lượng giảm và lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng khiến giá lương thực giảm.

Gia luong thuc toan cau giam manh nhat 7 nam do thua cung

Các nước - từng nhập khẩu lương thực - đã đầu tư vào nông nghiệp khi giá tăng cao và hệ quả là sản lượng tăng lên. Đồng real Brazil giảm giá và trợ cấp nông nghiệp của Trung Quốc đang giúp nông dân duy trì sản lượng kể cả khi giá hàng hóa giao dịch bằng USD giảm. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất tại Nga và Ukraine tiếp tục tăng sản lượng ngũ cốc do thiếu nguồn thay thế.

Chỉ số giá lương thực FAO - theo dõi giá của 5 nhóm hàng hóa lương thực chính gồm ngũ cốc, thịt, sản phẩm sữa, dầu thực vật và đường - đã giảm 10 tháng liên tiếp, đợt giảm dài nhất kể từ năm 1998.

Chỉ số giá ngũ cốc giảm 7% xuống mức thấp nhất 5 năm. FAO đã nâng viễn cảnh sản lượng lúa mỳ và ngũ cốc hạt to toàn cầu niên vụ 2015-2016 do sản lượng ngô tại Nam Mỹ và lúa mỳ châu Âu tăng mạnh.

Chi phí sản phẩm sữa giảm 9,1% xuống thấp nhất 6 năm do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm và nguồn cung dồi dào. Chỉ số giá đường giảm 10% xuống thấp nhất kể từ 2007 do real Brazil mất giá, khiến nông dân nước này đẩy mạnh xuất khẩu và đồn đoán Ấn Độ sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng sản phẩm đường.

Giá dầu thực vật giảm 8,6% xuống thấp nhất 6 năm do nhu cầu nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ và Trung Quốc giảm.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg, FAO