Thứ Năm | 09/05/2013 09:59

Giá lương thực Brazil tăng vọt

Brazil vốn có quỹ đất nông nghiệp dồi dào nhưng nguồn cung hiện nay thậm chí không đáp ứng đủ cho người dân trong nước khiến giá lương thực tăng vọt.
Brazil mới thông báo chỉ số giá lương thực nước này tăng 1,14% trong tháng 3 và 0,96% trong tháng 4.

Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, lương thực thực phẩm chiếm tới 22% trong giỏ hàng hóa tiêu dùng của Brazil. Bà Tatiana Pinheiro, nhà kinh tế của ngân hàng Santander tại Sao Paulo cho rằng: “Lạm phát giá lương thực thực phẩm dẫn tới chi phí của hộ gia đình đã tăng tới 15% trong vòng 12 tháng”.

Tháng 3, giá cà chua tại Brazil đã tăng tới 122% so cùng kỳ năm ngoái dẫn tới nạn nhập lậu cà chua từ Argentina. Nhiều người không hiểu tại sao giá một nông sản trồng ở xứ nhiệt đới lại có thể cao hơn vùng băng tuyết Alaska của Mỹ.

Trong khi đó, sản lượng nông sản xuất khẩu của Brazil như đậu tương, ngô, đường và cà phê tăng mạnh mẽ hơn bất kỳ vùng đất nào trên thế giới. Không ai có thể tưởng tượng tới cảnh báo thiếu hụt lương thực sắp xảy ra với một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên này. Có lẽ, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin đang tồn tại 2 chính sách nông nghiệp trái ngược nhau: một bên là nông sản phục vụ xuất khẩu được đầu tư với công nghệ năng suất cao, một bên là nông sản phục vụ nội địa thì vẫn lạc hậu trong nhiều thập niên qua, chủ yếu là mô hình nhỏ lẻ của các hộ gia đình.

Nông dân nước này chịu áp lực của các khoản nợ nần, thời tiết thất thường và giảm diện tích đất trồng. Hơn nữa, lịch sử lâu dài chịu lạm phát phi mã của nước này đã tạo tiền đề đẩy mạnh giá lương thực, trong lúc Chính phủ đang nỗ lực nhen nhóm lại tăng trưởng kinh tế. Nông dân trồng cà chua Brazil cho biết nhà nước chỉ quan tâm đến cán cân thương mại mà không có chiến lược cụ thể với nhu cầu trong nước.

Dữ liệu từ cơ quan Thống kê Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, diện tích đất trồng nông sản không xuất khẩu ngày càng khan hiếm. Diện tích trồng lúa và các loại nông sản chủ lực trong khẩu phần ăn của người dân giảm khoảng 30% so với năm 1990, trong khi dân số lúc đó thấp hơn hiện nay tới 25%.

Ngoài ra, các trang trại còn phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động và cơ sở vật chất giao thông còn yếu kém. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, các công ty dịch vụ đã thu hút lao động phổ thông từ các trang trại bằng cách cung cấp cho họ nhiều quyền lợi tốt hơn và khối lượng công việc nhẹ hơn. Do đó chi phí lao động tăng cao. Anh Cyro, Cury, một nông dân trồng cà chua 10 năm tại Sao Paolo cho biết không thể thuê được nhân công trồng cà chua dù trả lương lên tới 500 USD/tháng.

Nguồn Dân Việt/Reuters


Sự kiện