Giá hàng hóa toàn cầu xuống thấp nhất 13 năm
Chỉ số Giá hàng hóa Bloomberg giảm 1,2% xuống 96,3564 điểm, thấp nhất kể từ năm 2002 và đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp trong chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 3/2015.
Chỉ số giá hàng hóa toàn cầu giảm mạnh chủ yếu do giá vàng xuống thấp nhất hơn 5 năm qua trong khi giá kim loại công nghiệp và dầu Brent cũng giảm do USD lên cao nhất kể từ 13/4.
Phiên 20/7, giá vàng giao tháng 8/2015 trên sàn Comex giảm 25,1 USD, tương ứng 2,2%, xuống 1.106,8 USD/ounce, ghi nhận phiên thứ 8 giảm liên tiếp và thấp nhất kể từ 30/3/2010.
Giá vàng giao ngay cũng giảm 2,8% xuống 1.102,05 USD/ounce lúc 15h54, ghi nhận phiên thứ 6 giảm liên tiếp, sau khi giảm xuống 1.088,05 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 3/2010.
Về mặt kỹ thuật, việc phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.130 USD/ounce khiến giá vàng tiếp tục suy yếu. Trong ngắn hạn, theo ANZ, ngưỡng hỗ trợ sẽ là 1.085 USD/ounce và 1.050 USD/ounce.
Giá bạc giao ngay giảm 0,7% xuống 14,75 USD/ounce, giá bạch kim giảm phiên thứ 5 liên tiếp khi giảm 5% xuống 942,49 USD/ounce, thấp nhất 6 năm rưỡi, và giá palladium giảm 3,4% xuống thấp nhất kể từ tháng 10/2012 ở 593 USD/ounce.
Chốt phiên 20/7, giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 9/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 45 cent, tương đương 0,8%, xuống 56,65 USD/thùng.
Nhà đầu tư bỏ thị trường hàng hóa, tìm đến USD khi đồng tiền này mạnh lên cùng với đồn đoán Fed sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay như kế hoạch. Chỉ số Đôla Bloomberg đo sức mạnh của USD so với 10 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,2% lên cao nhất kể từ 13/4.
USD tăng sẽ khiến chi phí lãi vay tăng, làm giảm sức hấp dẫn của các loại hàng hóa như vàng bởi nó không mang lại lợi nhuận cao như trái phiếu hay cổ phiếu.
Vattana Vongseenin, giám đốc điều hành Phillip Asset Management tại Bangkok, nhận định, lãi suất ở Mỹ tăng sẽ giúp USD mạnh hơn nữa, khiến dòng tiền chảy khỏi thị trường hàng hóa, kim loại và các tài sản thị trường mới nổi.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg