Gía xăng và điện tăng đang khiến nhiều sản phẩm tăng giá theo. Nguồn ảnh: Uongbi.gov.vn
Giá hàng hóa “nhảy múa” theo giá xăng và điện
Từ khi giá xăng liên tục tăng đã khiến cho sạp hàng trái cây của chị Hoa tại quận 10 vắng khách hẳn. Nguyên nhân do giá trái cây tăng nên người mua có phần giảm hơn, chị Hoa cho biết.
Giá thực phẩm và vàng mã cùng tăng
Nếu trước đây, chi phí vận chuyển 1 thùng trái cây chỉ khoảng 15.000 đồng thì hiện nay đã tăng gấp đôi, cộng thêm gía bán trái cây từ các vựa cũng đã tăng từ 5-10%. Vì thế, giá bán các sản phẩm trái cây cũng đã tăng theo. Chị Hoa ví dụ, một kg xoài trước đây chỉ 30.000-35.000 đồng thì giá hiện nay phải bán lên tới 40.000-50.000 đồng/kg mới đủ bù chi phí đầu vào. Ngoài ra, các sản phẩm trái cây khác như nhãn, chôm chôm…cũng đều tăng giá. Thậm chí, hoa cúc cũng tăng 3.000-4.000 đồng/bó.
Bình thường ngày rằm mùng một đốt vàng mã cũng chỉ vài chục ngàn, giờ cũng tăng lên gần trăm ngàn, chị Hoa chia sẻ. Chủ sạp hàng mã tại Quận 10, chị Phương cũng bị giảm khách hàng vì giá vàng mã của chị cũng bị tăng giá. Trước đây, đánh một xe hàng (vàng mã) giá giao động hơn 2 triệu đồng, thời điểm cao nhất cũng chỉ 3 triệu đồng. Nhưng từ tháng trước, một xe hàng đã tăng lên gần 4 triệu đồng.
Tình hình rau củ lại có mức tăng giá thấp hơn, chỉ tăng 1.000-2.000 đồng nên người tiêu dùng vẫn chấp nhận được, chị Nga, một chủ sạp rau cho biết. Hơn một tuần nay, lượng rau bán ra giảm hẳn, vì thế chị Nga phải bán giá rẻ để giảm sản lượng rau tồn. Rau để qua ngày là héo và dễ thối nên bán rẻ, thu được đồng nào hay đồng đó, chị Nga chia sẻ. Theo chị Nga, tăng giá thì mất khách, không tăng giá thì bán không có lời, mà giá chợ đầu mối tăng nên mình phải tăng.
Hiện sạp của chị Minh, chuyên bán hành tỏi ớt và gia vị là chưa tăng giá, nhưng “sắp tới giá sẽ tăng vì giá đầu vào đang tăng”, chị Minh chia sẻ. Chị Minh chưa dám tăng giá vì sợ mất khách nên tìm cách tăng từ từ.
Theo chị Nga thì hầu hết các dịch vụ đều nhích giá. Mấy năm nay, ngày nào cũng đi xe ôm ra chợ với giá 30.000 đồng/chuyến, nhưng giá đã tăng lên 35.000 đồng/chuyến, dù là khách quen từ lâu. Theo chị Nga, ông xe ôm cũng than là giá xăng tăng 3 lần từ đầu năm đến nay, mối quen nên ông xe này mới tăng ít vậy.
Các nguyên liệu ngành xây dựng cũng dắt tay nhau cùng tăng
Không chỉ trong ngành hàng tiêu dùng tăng giá, ngay từ đầu tháng 5, với lý do giá xăng và điện tăng, giá xi măng bắt đầu tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn. Vừa qua, Công ty Cổ phần Xi măng Hướng Dương vừa gửi công văn đến khách hàng điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng Pomihoa bắt đầu từ ngày 1.5. Theo đó, điều chỉnh tăng 30.000 đ/tấn đối với tất cả sản phẩm xi măng bao PCB 30, PCB40 và các loại xi măng rời.
Theo ông Đặng Lê Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xi măng Hướng Dương, cho biết việc tăng giá là tất yếu để đảm bảo chi phí sản xuất và ổn định chất lượng sản phẩm, khi tất cả các chi phí đầu vào sản xuất xi măng đã đồng loạt tăng cao trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành tăng thêm 50.000 đồng/tấn đối với xi măng bao, rời.
Cũng “ăn” theo giá xăng và điện, các sản phẩm ngành xây dựng cũng tăng giá ở các mặt hàng như, thép, cát cát xây dựng tăng cao đột biến và khan hiếm. Hiện nay, giá cát tại Hà Tĩnh dao động từ 270.000 - 300.000 đồng/m3, cao gấp 2,5 lần so với giá cuối năm trước.
Giá điện, xăng tăng cũng đang ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Thuận, giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần TM TV Hệ thống điện Nam Thiên Việt, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất dệt may, da giày…đang nghiên cứu để giảm chi phí sản xuất vì giá điện tăng, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng, trong khi giá bán sản phẩm đầu ra chưa thể tăng. Nhiều doanh nghiệp đang xem xét đến việc lắp hệ thống điện mặt trời để hạn chế chi phí điện phát sinh quá cao, ông Thuận chia sẻ.