Chủ Nhật | 02/06/2013 09:45

Giá hàng hóa giảm cũng có lợi cho nền kinh tế

Bên cạnh những mặt tiêu cực, việc sụt giảm giá mạnh thời gian qua cũng tạo nên một "cơn gió xuôi" cho nền kinh tế, đặc biệt kinh tế Mỹ cất cánh.
Từ đầu năm đến nay, giá hàng hóa đồng loạt giảm từ nhẹ như bông đến nặng như sắt, thép đồng. Giá đồng, dùng chủ yếu trong công nghiệp điện tử giảm gần 10%, giá bạc cũng được sử dụng cho các ngành sản xuất công nghiệp khác nhau giảm mạnh tới 25% và giá nông sản như lúa mì giảm hơn 10%. Tuy nhiên, điều này lại hỗ trợ kinh tế Mỹ nhờ giảm chi phí nguyên vật liệu thô cho sản xuất và giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu.

Kinh tế Mỹ chịu tác động của giá hàng hóa

Bà Natalie Chanin, chủ của 14 hãng sản xuất ở Mỹ cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng giảm giá cho khách hàng của chúng tôi, điều này rõ ràng lại giúp chúng tôi phát triển kinh doanh. Quan trọng hơn, chi phí nguyên vật liệu thấp cho phép các công ty tôi đầu tư nhiều hơn ở những địa điểm khác, bao gồm cả việc chúng tôi có kế hoạch mở một cửa hàng bán lẻ lớn trong năm tới." Đối với nhiều ngành sản xuất kinh doanh ở Mỹ, chi phí cho hàng hóa nguyên liệu thấp đi bù đắp phần nào cho những áp lực như cầu yếu đi hay chi phí chăm sóc sức khỏe tăng.

Giá hàng hóa nguyên liệu rẻ có tác động tiêu cực làm tăng trưởng toàn cầu yếu đi, tuy nhiên nó vẫn có phần nào tác dụng thúc đẩy kinh tế. Người tiêu dùng trả tiền ít hơn cho hàng thiết yếu như quần áo, lương thực thực phẩm, sẽ tiết kiệm được nhiều để chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ như ô tô hay một bữa tối ở nhà hàng sang trọng. Thực tế, người tiêu dùng đang được hưởng lợi giá xăng giảm, cho phép họ chi tiêu nhiều thứ khác. Giá năng lượng thấp một phần do sản xuất dầu và khí đốt Mỹ đang phát triển, tăng năng lực cạnh tranh về mặt hàng này của Mỹ trên thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài.

Giá hàng hóa thấp đi cũng là nguyên nhân làm dịu lạm phát. CPI của Mỹ tháng 4 chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu của Fed là 2%. Trong khảo sát mới nhất của Wall Street Journal, có 47,5% người cho rằng giá hàng hóa giảm là dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng 52,5% còn lại nhận định là dấu hiệu kích thích kinh doanh và tiêu dùng.

Ông Narinam Behravesh, giám đốc kinh tế của hãng dự báo và đầu tư tài chính IHS so sánh giá hàng hóa giảm sẽ là "một cơn gió xuôi, một cơn gió xuôi nhẹ" cho nền kinh tế cất cánh. Ông dự báo GDP Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% đến 3% trong dài hạn thay vì con số 2% đến 2,5% đưa ra trước đó, nguyên nhân nhờ giá hàng hóa giảm, đặc biệt là năng lượng. Kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2009, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm cho đến nay mới chỉ đạt 2%.

Mặt khác, đối với Trung Quốc, lợi ích từ giá hàng hóa giảm cũng sẽ bù đắp một phần cho tăng trưởng kinh tế chậm lại. Kể từ cuối những năm 90, giá hàng hóa công nghiệp tăng mạnh nhờ nhu cầu ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Giá đồng tăng gấp 4 lần từ cuối những năm 90 đến năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, chủ yếu do nhu cầu không giới hạn từ Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc chịu tác động của giá hàng hóa
Kinh tế Trung Quốc

Một số nhà kinh tế lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc sau khi tăng trưởng nhanh làm suy yếu nghiêm trọng nhu cầu hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, những vấn đề Trung Quốc gặp phải chưa gây tổn thương cho nền kinh tế. Goldman Sachs sau khi nghiên cứu lợi nhuận quý đầu của các hãng nhận thấy giá hàng hóa giảm mạnh đang giúp các doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất kinh doanh. Các nhà bán lẻ như Nike hay Target Corp nhờ giá bông giảm mà tăng tiền lương cho công nhân ở Trung Quốc cũng như các nước khác trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Nguồn Dân Việt/WSJ


Sự kiện