Thứ Hai | 04/01/2016 09:56

Giá hàng hóa đang chịu thêm áp lực khi Fed nâng lãi suất

Hàng hóa giao dịch bằng USD trở nên đắt đỏ hơn và những vấn đề khó khăn của các ngành hàng ngày càng trầm trọng.

Khi thị trường tài chính toàn cầu từ chứng khoán đến trái phiếu tăng sau khi Fed quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, thì hầu hết các loại hàng hóa lại diễn biến trái ngược.

Lãi suất thấp kỷ lục đã giúp giá hàng hóa bùng nổ khi giới đầu tư săn lùng lợi nhuận và các công ty tận dụng nguồn tiền rẻ để mở rộng sản xuất. Giờ đây, thị trường hàng hóa đang phải chịu trận với chu kỳ lãi suất mới đang khiến những vấn đề khó của ngành hàng hóa thêm trầm trọng - sự kết hợp bất lợi giữa dư cung và tăng trưởng nhu cầu ảm đạm do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Tác động lớn nhất và ngay lập tức sau quyết định nâng lãi suất của Fed hôm thứ Tư 16/12/2015 là đồng bạc xanh mạnh lên, khiến hàng hóa giao dịch và định giá vàng USD từ dầu thô đến đồng trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng sử dụng các đồng tiền khác.

Giới phân tích dự đoán lãi suất tăng sẽ còn gây ra nhiều “nỗi đau” hơn nữa khi các công ty phải vật lộn với chi phí tài chính ngày một tăng, nhu cầu của thị trường mới nổi sẽ bị tác động tiêu cực và lĩnh vực hàng hóa sẽ không còn hấp dẫn với giới đầu tư.

Giá hầu hết các loại kim loại hôm thứ Năm 17/12/2015 đều giảm với giá vàng trên sàn Comex New York giảm 2,25% xuống 1.052,6 USD/ounce trong khi giá đồng trên sàn London giảm 1,3% xuống 4.546,5 USD/tấn. Thị trường dầu thô cũng không khả quan hơn khi giá dầu Brent giảm 0,9% trong khi giá dầu Mỹ giảm 2,2%.

Giá hàng hóa giảm trong khi thị trường chứng khoán lại tăng điểm. Chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 1,04% vào cuối phiên giao dịch, chỉ số Nikkei Stock Average của Nhật Bản tăng 1,65% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,8%.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Tư 16/12/2015 nhưng đà tăng chững lại trong phiên 17/12 chủ yếu do bán tháo cổ phiếu hàng hóa.

Daniel Briesemann, nhà phân tích hàng hóa tại Commerzbank AG, cho biết, hàng hóa không còn hấp dẫn đối với giới đầu tư tài chính. Họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở các hạng mục tài sản khác.

Năm 2014, Chỉ số Hàng hóa Goldman Sachs S&P đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Giá kim loại cơ bản bình quân giảm 49% kể từ mức đỉnh hồi tháng 2/2011 trong khi hồi đầu tuần giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ Giáng sinh năm 2008.

Giá hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề sau quyết định hôm thứ Tư 16/12 của Fed, khiến USD tăng mạnh.

Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, hôm thứ Năm 17/12 tăng 0,8% và duy trì ở mức gần cao nhất trong năm 2015.

Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại Bank Wealth Management, cho biết, sau quyết định nâng lãi suất của Fed, giá hàng hóa nói chung tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn khi USD mạnh lên và nguồn cung đối với hầu hết các hàng hóa vẫn gặp nhiều trở ngại.

Một trong những lo ngại chính là tình trạng thừa cung tại nhiều thị trường từ dầu thô đến phân bón. Giới phân tích ước tính rằng thị trường toàn cầu hiện thừa cung khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày, trong khi đó, nguồn cung đồng trong 3 quý đầu năm 2015 cũng vượt cầu 266.000 tấn, theo số liệu của Văn phòng Thống kê Kim loại Thế giới.

Nhu cầu cũng là mối lo ngại khác. Những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong năm 2015. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới và nước tiêu thụ lớn nhất kim loại, chiếm 45% nhu cầu hầu hết các kim loại cơ bản.

Giờ đây, giới đầu tư lo ngại rằng việc Fed nâng lãi suất có thể kéo giảm hơn nữa nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển, như Ấn Độ và Trung Quốc. Giới đầu tư đã rút ròng 500 tỷ USD khỏi các thị trường mới nôiỉ trong năm 2015, ghi nhận năm rút vốn đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua.

Nhật Trường

Nguồn WSJ