Thứ Sáu | 05/10/2012 18:38

Gia hạn nộp thuế VAT thêm 3 tháng

Nghị quyết Chính phủ cho hay tiếp tục gia hạn 3 tháng với số thuế giá trị gia tăng (VAT) phải nộp của tháng 6/2012 của doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan tập trung kiểm soát chặt chẽ giá cả, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giữ vững mức tăng trưởng hợp lý.

Tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT thêm 3 tháng

Theo Nghị quyết, Chính phủ chấp thuận với đề xuất của Bộ Tài chính, tiếp tục gia hạn thêm 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng (VAT) phải nộp của tháng 6/2012 đã được gia hạn cho doanh nghiệp.

Tại phiên họp báo thường kỳ  Chính phủ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, nếu thực hiện gia hạn nộp thuế VAT thêm 3 tháng nữa (từ tháng 1/2013 đến 4/2013), số thuế được gia hạn ước khoảng 3.745 tỷ đồng.Trước đó, Chính phủ chấp thuận gia hạn nộp thuế VAT cho doanh nghiệp thêm 6 tháng với số thuế phải nộp từ tháng 6/2012.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, giữ mức bội chi theo dự toán được Quốc hội thông qua (4,8% GDP).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ. Tăng cường biện pháp huy động và giải ngân ODA và FDI.

Quản lý chặt các loại giá, phí làm tăng chi phí đầu vào

Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ trong quản lý thị trường, giá cả, tăng cường các điểm bình ổn giá. Quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than, dịch vụ công một cách phù hợp.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ quản lý chặt các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chưa công bố điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cần có lộ trình thực hiện phù hợp theo hướng lùi thời hạn áp dụng, góp phần thực hiện kiềm chế lạm phát.

Bộ Công thường phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương có biện pháp mạnh ngăn chặn tình trạng đầu cơ găp hàng, thao túng giá, đẩy giá lên cao.

Tháng 9/2012, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tăng 2,2% so với tháng 8 (mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2011). Tính từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 5,13%.

Trong tháng 9, nhóm dịch vụ y tế có mức tăng tới 23,85% so với tháng 8 (cao nhất trong các nhóm hàng) do giá viện phí điều chỉnh tăng.

Nguồn Khampha


Sự kiện