Giá đôla Mỹ tăng theo giá vàng?
Ngày 20.4, giá vàng SJC bán ra của các doanh nghiệp như SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý... đều đã nâng lên mức 42 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào thấp hơn 500.000 đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất của thị trường vàng trong nước kể từ khi giá quốc tế bắt đầu chuỗi ngày rơi tự do kể cuối tuần trước (13.4). So với mức giá thấp nhất được thiết lập ngày 16.4, giá vàng trong nước đã tăng thêm 2,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước quy đổi (tính theo tỷ giá của ngân hàng Ngoại thương VCB) vẫn đắt hơn giá thế giới khoảng 6,2 – 6,3 triệu đồng/lượng giá mua vào; 6,3 – 6,4 triệu đồng/lượng giá bán ra.
Hôm qua (21.4), giá vàng giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng giá bán ra xuống còn 41,9 triệu đồng/lượng trong khi giá mua vào vẫn giữ nguyên.
Giá đôla bắt đầu có dấu hiệu biến động kể từ chiều ngày 18.4, mỗi ngày tăng khoảng 150 – 200 đồng. Đáng chú ý là với mức mua – bán ở các điểm thu đổi ngoại tệ không đồng nhất với nhau, hiện mức giá cao nhất là khu vực quận 1, như ở khu vực gần chợ Bến Thành giá mua – bán 21.350 – 21.550 đồng/USD, khu vực quận 3 giá mua bán ở khoảng 21.280 – 21.480 đồng/USD. Đây là đợt biến động giá đôla lần thứ hai trên thị trường, kể từ đầu năm đến nay.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội, nhu cầu ngoại tệ của các khách hàng của ngân hàng vẫn ổn định. “Sản xuất trong nước vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, sức mua thị trường vẫn trầm lắng, do vậy các doanh nghiệp chưa tăng mua, gom USD để nhập khẩu”, ông nói.
Vậy nguyên nhân nào khiến tỷ giá trên thị trường tự do bất ngờ “nóng” lên? Theo một chuyên gia tài chính, hai khả năng có thể xảy ra: Nhà đầu tư trong nước đã bớt kỳ vọng vào thị trường vàng trước diễn biến giá quốc tế có chuỗi ngày lao dốc trong khi tình trạng “tăng nhanh giảm chậm” của thị trường vàng trong nước ngày một trầm trọng. Trong khi kênh chứng khoán, bất động sản vẫn ảm đạm, lãi suất tiết kiệm có xu hướng tiếp tục giảm thì ngoại tệ vẫn là một sự lựa chọn cho những nhà đầu tư không còn mặn mà với vàng. Khả năng thứ hai, là thu gom USD để nhập lậu vàng nhằm kiếm lời trước tình trạng giá trong nước quá đắt so với giá thế giới.
Nhu cầu mua vàng của người dân trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong các tháng qua. Tính về nguồn cung, ngân hàng Nhà nước (thông qua chín phiên đấu thầu) đã bán ra thị trường (thông qua các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép) 263.400 lượng. Nhưng xem ra số lượng vàng này không thấm vào đâu, vì biểu hiện là người dân vẫn mua hàng ngàn lượng vàng mỗi ngày qua, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới…
Với mức chênh lệch vài trăm ngàn đồng so với thế giới, nhập vàng về đã có lãi, thì nay với mức chênh lệch 6,5 triệu đồng, cộng với việc người tiêu dùng đang quay trở lại mua vàng nhẫn từ các tiệm vàng tư nhân, thì nhập vàng lậu về chế thành trang sức, vàng nhẫn để bán lẻ sẽ mang lại nguồn lợi đáng kể.
Chuyên gia kể trên cũng cho rằng, hấp thu hơn 10 tấn vàng miếng SJC bán đấu giá của ngân hàng Nhà nước chủ yếu là các ngân hàng thương mại, để phục vụ nhu cầu tất toán tài khoản vàng. Còn nhiều người dân, nhất là ở các tỉnh, khi có nhu cầu mua lẻ một vài chỉ vàng vẫn lựa chọn vàng nhẫn, hoặc các loại vàng miếng “phi SJC” và đây là “thị trường đầu ra” cho vàng nhập lậu. “Do vậy, ngân hàng Nhà nước kiểm soát hệ thống máy móc dập vàng không có nghĩa là chấm dứt được tình trạng vàng nhập lậu. Thậm chí, nếu giá vàng miếng SJC còn tiếp tục đắt phi lý như thời gian vừa qua, tâm lý chuyển qua nắm giữ vàng phi SJC càng mạnh lên, vàng nhập lậu càng... “có cửa””, vị chuyên gia nói.
(Theo SGTT)