Giá điện tăng dưới 10%, EVN được tự quyết
Thủ tướng vừa phê duyệt Quyết định 69 quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 10/1/2014. Theo đó, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện tối thiểu là 6 tháng, nới rộng so với biên độ 3 tháng hiện nay, đồng nghĩa giá điện mỗi năm chỉ được điều chỉnh tối đa 2 lần, thay cho mức 4 lần.
Khi các thông số đầu vào như tỷ giá, giá nhiên liệu... biến động khiến giá điện cơ sở cao hơn hơn mức giá hiện hành từ 7-10%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép tăng ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Nếu tăng từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định, EVN sẽ phải lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Sau khi tổng hợp ý kiến, hai bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa quy định cụ thể giá điện cơ sở thấp hơn giá bán lẻ bao nhiêu sẽ phải yêu cầu EVN giảm giá. Quyết định 69 chỉ yêu cầu: "Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính".
Hằng năm, EVN sẽ xây dựng phương án giá bán điện trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Căn cứ kết quả kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất điện và tình hình tài chính của EVN, cũng như tình hình kinh tế-xã hội, Bộ Công Thương, liên Bộ sẽ xem xét phương án giá bán điện bình quân.
Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.508,85 đồng một kWh và trong những lần tăng vừa qua, mức điều chỉnh đều như nhau là 5%. Mới đây, Thủ tướng cũng ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) giai đoạn 2013- 2015, theo đó giá sàn điện sẽ là 1.437 đồng và giá trần 1.835 đồng một kWh, tức trong tương lai giá điện bình quân có thể tăng tối đa gần 22%, trong khi biên độ giảm giá chỉ khoảng 5%.
Phương Linh
Nguồn Vnexpress.net