Điều này khiến một số nhà đầu tư Nhật xem xét lại hệ thống sản xuất toàn cầu, nhằm tránh rủi ro trong sản xuất và giao hàng do nguồn điện không ổn định. Ảnh: Quý Hòa

 
Hải Vân Thứ Sáu | 03/05/2024 07:30

Giá điện mắc kẹt

Ngành điện tính chuyện đổi cách bán, nhưng cơ chế giá điện 2 thành phần có khả năng mắc kẹt với những vấn đề nội ngành.

Một tháng trước khi miền Bắc bước vào mùa hè, lo lắng thiếu điện chưa hề giảm trong bối cảnh nắng nóng ở miền Nam ngày càng gay gắt, có thể làm lung lay các phương án bảo đảm điện ổn định cho sản xuất và tiêu dùng. Năm ngoái, thiếu điện cục bộ vào cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6 đã khiến nền kinh tế chịu thiệt hại khoảng 1,4 tỉ USD, theo tính toán của World Bank.

Áp lực đủ điện 

Năm nay, áp lực đủ điện cho tiêu dùng và sản xuất lớn hơn rất nhiều, đến từ trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài. Nguồn điện không ổn định có thể khiến ưu đãi về giá điện sản xuất trong thu hút FDI vào Việt Nam bớt đi phần ý nghĩa, khiến nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc chần chừ ra quyết định đầu tư vào Việt Nam. Mô hình “just in time” - yếu tố cốt lõi của chuỗi cung ứng - cũng có thể bị phá vỡ, nếu thiếu điện. Điều này khiến một số nhà đầu tư Nhật xem xét lại hệ thống sản xuất toàn cầu, nhằm tránh rủi ro trong sản xuất và giao hàng do nguồn điện không ổn định.

 

Phản ứng của Bộ Công Thương, đơn vị chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về điện lực, là đẩy mạnh các kế hoạch đảm bảo đủ điện cho miền Bắc và duy trì nguồn điện ổn định cho nền kinh tế. Cơ quan này một mặt thúc đẩy hoàn thiện đường dây truyền tải điện từ Nam miền Trung ra miền Bắc, mặt khác là sửa đổi Quyết định 28/2014 của Thủ tướng về biểu cơ cấu giá điện, triển khai giá điện 2 thành phần (bán điện theo công suất và điện năng tiêu thụ), dự kiến thí điểm trong năm nay, cơ sở để chính thức áp dụng năm 2025. 

Phạm vi của cơ chế giá điện 2 thành phần nhận được sự ủng hộ khá cao vì sẽ tạo ra công bằng, minh bạch và hiệu quả cho các bên, bao gồm nhà máy điện, nguồn điện, doanh nghiệp và người dân. Việc này cũng giúp giá điện thời gian tới phát triển theo hướng thị trường điện cạnh tranh. Ngoài ra, việc áp dụng giá điện theo 2 thành phần kết hợp với quy định giá điện TOU hiện hành sẽ góp phần cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống, giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện để đáp ứng công suất sử dụng điện trong giờ cao điểm.

Đổi hướng đi?

Thế nhưng, những mâu thuẫn nội tại của ngành điện có thể khiến các kế hoạch này không như kỳ vọng. Năm ngoái, Báo cáo phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 do Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra rằng, chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp. Ngoài ra, giá điện chưa bảo đảm tính minh bạch, trong khi các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.

Cũng theo báo cáo này, cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, còn duy trì bù chéo. Giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh; chưa phù hợp với mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện. 

 

“Công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện; chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện 2 thành phần; giá truyền tải điện quá thấp, không thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện”, báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ.

Một nhược điểm khác, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng yếu đồng nghĩa với việc huy động gần 135 tỉ USD đầu tư cho các dự án nguồn điện đến năm 2030 sẽ khó khăn hơn. Mặc dù hệ thống điện của Việt Nam đạt được các chỉ số khá xuất sắc về chất lượng lưới điện, thể hiện qua sóng hài dòng và áp, cũng như độ tin cậy của nguồn cung cấp điện, thể hiện qua các chỉ số kỹ thuật SAIDI, SAIFI, MAIFI, nhưng vẫn rất khó để đánh giá nhu cầu mở rộng của các lĩnh vực này. Do đó, việc đầu tư vào nguồn điện và hạ tầng điện thời gian tới như thế nào vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

So với 12 tháng trước, đầu tư vào Việt Nam có khởi sắc, nhưng đầu tư vào chế biến, chế tạo đã chững lại, chỉ đạt gần 3,93 tỉ USD và giảm 1,3% trong 3 tháng đầu năm 2024. Nhiều nhà đầu tư phàn nàn về việc ban hành quy định khó lường của cơ quan quản lý, thậm chí lo ngại sâu sắc về sự “dễ bị tổn thương” của chính sách năng lượng, phần rủi ro không được/được chia sẻ ở mức thấp, khiến nhà đầu tư chịu tổn hại.

Nhiều nhà đầu tư khác lại lo lắng mức độ hỗ trợ từ chính sách cũng bị giảm một phần, do sự lúng túng của chính cơ quan tham mưu cho Chính phủ khi ban hành các chính sách năng lượng, đề xuất thay đổi cơ chế giá bán điện, hầu hết chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, chưa hướng tới thị trường điện cạnh tranh, vốn đã chậm hơn kế hoạch đưa vào vận hành trong năm 2023.

Nếu những sai sót này là hiển nhiên, ngành điện có thể thay đổi hướng đi. Chẳng hạn, việc đưa giá điện tiệm cận hơn với cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ, có thể học hỏi kinh nghiệm Chính phủ Đức trong việc duy trì 2 thành phần định giá điện chính: chi phí năng lượng và chi phí mạng lưới điện. Các nhà khai thác lưới điện dựa vào khoản thu từ phí lưới điện và dành một phần để đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng. Với cách này, ngành điện và EVN có thể dành một phần nguồn lợi tăng thêm để đầu tư vào nguồn mới cũng như phát triển hạ tầng điện lực.

Câu chuyện vốn đầu tư cũng sẽ hoàn toàn khác nếu Chính phủ có các chính sách yêu cầu công ty điện lực có nghĩa vụ hỗ trợ khách hàng tiết kiệm năng lượng như ở châu Âu và thuế có thể là một ví dụ. Những cơ chế khuyến khích như ưu đãi thuế sẽ giúp thúc đẩy thị trường, nâng cao nhận thức về vấn đề năng lượng, tiết kiệm được một khoản lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi được giảm chi phí, các doanh nghiệp sẽ nhìn nhận hiệu quả năng lượng là vấn đề trọng tâm.