Giá dầu và nỗi lo ngân sách
Báo cáo kinh tế – xã hội của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khẳng định, tình hình kinh tế – xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015 đều đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011…
Cơ cấu thu đã thay đổi
Vẫn theo Chính phủ, thu từ dầu thô giảm mạnh, nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm qua cao gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển nên đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định…
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra (do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện) đưa ra những đánh giá khá thận trọng. Chủ nhiệm Ủy ban, ông Nguyễn Văn Giàu trình bày trước Quốc hội: “Bên cạnh kết quả tích cực, một số ý kiến (trong Ủy ban Kinh tế – PV) cho rằng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra – mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước – nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên”. “Nỗi lo mang hình giọt dầu” tiếp tục hiển hiện ở báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015. Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi tích cực, tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so ước thực hiện 2014) là kết quả đáng ghi nhận.
Mặc dù vậy, cơ quan thẩm tra nhận định, cơ cấu thu đã có những thay đổi, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ yếu, thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh, mức độ huy động vào NSNN từ GDP qua thuế, phí có xu thế giảm so với giai đoạn trước.
Đáng lưu ý, thu từ dầu, khí hụt lớn so với dự toán. Trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu (ước cả năm chỉ đạt 56,7 USD/ thùng, giảm trên 43USD/thùng so với giá tính dự toán), dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng. Đây là mức hụt thu lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương. Cụ thể, mặc dù tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng là của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), trong khi ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng, dẫn đến khó khăn trong cân đối NSNN.
Nhất trí với Chính phủ dự kiến giá dầu thanh toán bình quân 3 tháng cuối năm chỉ ở mức 50 USD/thùng, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh yêu cầu “Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát diễn biến của giá dầu để có đối sách phù hợp, nhằm phát triền kinh tế trong nước bù hụt thu, tận dụng việc giảm giá dầu thành cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước”.
Phát hành trái phiếu quốc tế là giải pháp quan trọng
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn nhìn nhận, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động vốn cho ngân sách Nhà nước nhằm đáp ứng nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt. “Các kênh huy động vốn như phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước, vay các quỹ tài chính Nhà nước, vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đều được sử dụng tối đa. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2015 có thể thấy rất khó để đạt được kế hoạch đề ra, đặc biệt đối với công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ” – ông Dũng nói.
Cần nói thêm là trong một báo cáo khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do ngân sách Nhà nước năm 2016 khó khăn nên chưa cân đối được nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở. Ông giải thích: “Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 phải tiếp tục bù để điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công; tiền lương đối với những đối tượng công chức, viên chức có thu nhập thấp năm 2015 đã thực hiện. Đồng thời bố trí thêm hơn 1.500 tỷ đồng để điều chỉnh lương hưu đối với những người mất sức lao động; giáo viên mầm non… để mức lương những người này bằng với mức lương cơ sở”.
Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch vay nợ với tổng khối lượng là 436 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ trong nước còn nhỏ, thị trường đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên còn rất hạn chế. Trong 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ (gồm cả trái phiếu nội tệ và ngoại tệ) mới đạt 51% kế hoạch và bằng 60,6% so với cùng kỳ năm 2014, đồng nghĩa với việc khối lượng vốn huy động mới không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi trái phiếu Chính phủ đến hạn.
Để “gỡ” nút thắt này, Chính phủ đã đề nghị phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (cụ thể là phát hành với tất cả các kỳ hạn theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn); đồng thời phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường quốc tế, nhằm giảm bớt áp lực huy động vốn tại thị trường trong nước. “Trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ tập trung điều hành phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên (dự kiến vào khoảng 60 – 70% tổng khối lượng phát hành tùy vào tình hình thị trường). Chính phủ dự kiến kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu chính phủ là 5,5 năm trong giai đoạn 2016 – 2020” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, trong năm 2015 – 2016, dự kiến sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ. Khối lượng phát hành dự kiến khoảng 3 tỷ USD. Kỳ hạn phát hành từ 10 đến 30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành. Những đề xuất quan trọng này của Chính phủ sẽ được cơ quan lập pháp xem xét, ra Nghị quyết vào cuối kỳ họp – sẽ khép lại vào cuối tháng 11 tới đây.
Nguồn Diễn Đàn Doanh Nghiệp