Giá dầu và chiến thuật ngoại giao của Arab Saudi
Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Ali al-Naimi bác bỏ “chủ nghĩa âm mưu” rằng Arab Saudi đang sử dụng dầu mỏ như vũ khí ngoại giao chống lại Iran, Nga hay bất kỳ nước này và gọi suy luận này là ý tưởng kỳ quặc sai lầm, đầy toan tính nhưng không có cơ sở.
Ông Naimi đang phản bác lại đồn đoán trên phương tiện truyền thông phương Tây và các tổ chức nghiên cứu rằng Arab Saudi cố tình để giá dầu lao dốc nhằm làm suy yếu đối thủ ở Syria, Iraq và Iran.
Nhưng liệu có bằng chứng nào cho thấy các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Arab Saudi đang cố ý để cho dầu mất giá? Hay Arab Saudi chỉ đơn giản đang đối phó với những sự kiện ngoài khả năng kiểm soát bằng cách chọn chiến lược thực tế nhất từ một loạt lựa chọn không mấy hấp dẫn?
Chưa ai biết được câu trả lời một cách chắc chắn. Chính sách dầu mỏ của Arab Saudi do một mình Bộ trưởng Dầu mỏ đưa ra sau khi tham khảo ký kiến của Nhà vua và một nhóm nhỏ các hoàng tử. Các cuộc tiếp kiến này nói chung rất bí mật.
Tuy nhiên, vẫn có lý do để nghi ngờ Arab Saudi đang sử dụng vũ khí dầu mỏ như một phần trong “chiến lược địa chính trị” hoặc đơn phương hoặc kết hợp với Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn trên báo chí, ông Naimi cho rằng giá dầu giảm là do suy thoái kinh tế toàn cầu, sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC tăng, thông tin sai lệch và giới đầu cơ.
Rõ ràng, những yếu tố này (nhu cầu yếu ớt, nguồn cung từ các nước ngoài OPEC tăng và phản ứng tại các thị trường hàng hóa) có thể giải thích cho việc giá dầu giảm gần 50% kể từ mức đỉnh hồi tháng 6.
Một số người tin vào chủ nghĩa âm mưu phản ứng bằng việc cho rằng tuy Arab Saudi có thể không làm cho dầu mất giá, song nước này lại không có bất kỳ hành động nào để ngăn cản điều này. Nhưng rõ ràng Arab Saudi không thể làm gì để giữ giá dầu ở 100 USD/thùng trong trung hạn.
Arab Saudi có thể mất thị phần nếu giảm sản lượng. |
Như ông Naimi giải thích, nếu Arab Saudi giảm sản lượng, việc này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất chi phí cao ở Mỹ, Brazil hay nhiều nơi khác tăng sản lượng. Và kết quả là Vương quốc này sẽ mất thị phần trong khi giá dầu không có tiến triển gì.
Nếu giá dầu thấp hơn mang lại lợi ích ngoại giao cho Arab Saudi và Mỹ bằng cách gia tăng áp lực kinh tế lên các nước đối thủ như Iran, Nga và Venezuela, đó chỉ là tác dụng phụ, không phải mục đích chính sách chủ chốt.
Phản ứng hợp lý duy nhất của Arab Saudi trước việc nguồn cung dầu đá phiến tăng và nhu cầu toàn cầu cầu ảm đạm là để cho giá dầu giảm nhằm kiềm chế đầu tư vào dầu đá phiến và thúc đẩy nhu cầu tăng trưởng trở lại.
Việc đưa chủ nghĩa âm mưu vào những sự kiện gần đây là không cần thiết và hoàn toàn không có bằng chứng. Những người cho rằng “dầu là vũ khí ngoại giao” không đưa ra được bằng chứng trực tiếp nào. Trong mọi trường hợp, không có lý do gì để nghi ngờ giải thích của Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi.
Những yếu tố chính trị
Năng lượng là sức mạnh. Việc kiểm soát nguồn cung năng lượng áp đặt quyền lực to lớn lên các nước đang sử dụng.
Tiếp cận nguồn cung dầu thô đóng vai trò sống còn trong chiến lược quan sự và ngoại giao của Đức và Nhật Bản trong Thế chiến thứ II. Năm 1973, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra kế hoạch về Lực lượng Phản ứng nhanh (Rapid Deployment Force) nhằm chiếm giữ các giếng dầu của Arab Saudi để dỡ bỏ lệnh cấm vận như một cách gây áp lực lên Vương quốc này.
Rõ rằng các yếu tố ngoại giao đôi khi đóng vai trò quan trọng trong chính sách dầu mỏ của Arab Saudi. Nhà vua Faisal đã sử dụng dầu mỏ làm “công cụ chính trị” với hình thức cấm vận vào năm 1973 trong một nỗ lực (không thành) nhằm thay đổi chính sách của Mỹ với Israel. Trong những năm 1980, Nhà vua Fahd đã ra lệnh bán thêm dầu mỏ để trả tiền cho thỏa thuận vũ khí với Vương quốc Anh.
Nhưng sự can thiệp chính trị vào chính sách dầu mỏ chỉ mang tính ngoại lệ chứ không phải là hiện tượng phổ biến trong hơn 40 năm qua. Nói chung, Arab Saudi đang bán nhiều nhất lượng dầu thô có thể với giá cao nhất có thể có xét đến động thái của đối thủ và tình trạng thị trường.
Nguồn DVO/Reuters