Giá dầu trên đà phục hồi
Không đúng như những gì các nhà quan sát dự đoán, khối các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) cuối cùng đã đạt vượt qua các trở ngại về chính trị để đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng. Giá dầu trên thị trường giao dịch New York đã tăng 10% lên mức gần 49 USD/thùng vào ngày 1.12.2016.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều cổ phiếu họ dầu khí như PVD (Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí), PVB (Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam), PVC (Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí), GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam) đã tăng trần ngay lập tức sau khi nhận được các tín hiệu lạc quan phát ra từ khối OPEC. Chỉ số VN-Index tăng nhẹ ngay trong phiên 1.12.2016.
Hơn năm qua quả thật là quãng thời gian khổ sở của các công ty ngành dầu khí. Đơn cử như tại PVD, khối lượng công việc đã giảm mạnh. Từ chỗ 6 giàn phải liên tục hoạt động trong các năm trước, hiện PVD chỉ có khoảng 2 giàn khoan vận hành. Doanh thu 9 tháng đầu năm nay của Công ty là 4.540 tỉ đồng, giảm đến 62% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng cũng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ khi chỉ đạt 148 tỉ đồng.
Tình cảnh khó khăn cũng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp khác. Có công ty phải cắt giảm nhân công, có nơi phải giảm mạnh các chính sách phúc lợi cho nhân viên để tiết kiệm chi phí. Trong 10 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạt 18.000 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, việc giá dầu phục hồi sau khi khối OPEC đạt được thỏa thuận là một tín hiệu đáng mừng cho các công ty họ dầu khí trên sàn chứng khoán và cho cả PVN.
Theo thỏa thuận này, OPEC sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày tính từ đầu tháng 1 năm tới. Trong đó, “đầu tàu” Ả Rập Saudi giảm 486.000 thùng, Iraq cắt giảm 210.000 thùng, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cắt giảm 139.000 thùng. Ngược lại, Iran được phép nâng công suất lên 3,8 triệu thùng/ngày do quốc gia này mới quay trở lại thị trường thế giới sau giai đoạn cấm vận.
Trong khi đó, Nga, thành viên không thuộc khối OPEC, cũng hứa hẹn sẽ cắt giảm 300.000 thùng/ngày để hòa nhịp vào hành động chung của các quốc gia khác.
Trên thực tế, khối OPEC cắt giảm sản lượng sản xuất cũng là cách tự mở lối thoát cho chính mình. Năm ngoái, doanh thu từ xuất khẩu dầu của các quốc gia chỉ đạt 341 tỉ USD, giảm hơn một nửa so với mức 753 tỉ USD của năm 2014 hay 920 tỉ USD đạt được vào năm 2012. Bởi thế, lần đầu tiên, Ả Rập Saudi bị thâm hụt ngân sách trong khi Venezuela chìm trong khủng hoảng kinh tế cùng lạm phát tăng vọt.
Khối OPEC cắt giảm sản lượng sản xuất cũng là cách tự mở lối thoát cho chính mình. Ảnh: CNBC.com |
Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs mới đây đưa ra nhận định giá dầu sẽ phục hồi tốt hơn trong nửa đầu năm sau. Theo ngân hàng này, giá dầu sẽ đạt mức 55 USD/thùng trong nửa đầu năm 2017, cao hơn so với dự đoán 50 USD/thùng trước đó. Được biết, Goldman Sachs là một trong những tổ chức dự đoán khá đúng giá dầu đạt đỉnh 200 USD/thùng vào tháng 3.2008 hay rơi xuống mức tiệm cận 20 USD/thùng vào tháng 9.2015.
Nhưng trên khía cạnh khác, một số chuyên gia cũng nghi ngờ về sự phục hồi bền vững của giá dầu thô thế giới. Ngay cả Goldman Sachs, dù bày tỏ thái độ lạc quan, nhưng các chuyên gia phân tích của ngân hàng này cho rằng, giá dầu sẽ sụt giảm trong nửa cuối năm sau do tác động từ sự phục hồi của ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ.
Thực vậy, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, ông Donald J. Trump hứa hẹn sẽ không giới hạn năng lực sản xuất của các tập đoàn dầu khí trong nước, đồng thời xây dựng thêm các tuyến ống dẫn dầu khí, cho phép mở thêm nhiều vùng đất mới như tại Alaska để công ty dầu khí thăm dò. Điều này sẽ giúp ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ phục hồi, mang lại doanh thu và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân nước này.
Hơn nữa, với việc khối OPEC cắt giảm sản lượng, các tập đoàn dầu khí Mỹ cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn bởi họ sẽ có cơ hội giành lấy thị phần mà OPEC để lại. Giá cổ phiếu của công ty dầu khí Continental Resources của Mỹ đã tăng 25% chỉ trong đêm thứ Tư vừa qua, theo Bloomberg. Trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt đó, liệu các quốc gia OPEC có chịu ngồi yên?
Thậm chí cũng có những lo ngại rằng, thỏa thuận đạt được mới đây giữa các thành viên OPEC chỉ mới diễn ra trên bàn đàm phán, còn trên thực tế, cách nào để giám sát thực thi giữa các quốc gia là một thách thức không nhỏ. “Thỏa thuận ngày hôm nay chắc chắn sẽ hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn. Nhưng mâu thuẫn giữa các quốc gia OPEC vẫn tồn tại. Vì thế, việc tuân thủ thỏa thuận này sẽ gặp khó khăn”, chuyên gia phân tích Spencer Welch tại công ty tư vấn IHS Energy, nhận định. Xem ra, chặng đường phục hồi mới chớm nở của giá dầu sẽ còn rất dài để đạt được.
Sơn Nguyễn